Ở xã nông thôn mới Hiệp An, huyện Đức Trọng có hàng chục ngàn mét vuông đất sản xuất các loại rau, củ, quả đạt Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu hơn bảy năm qua, đã xây dựng chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm ổn định trên thị trường cao cấp, trong đó chiếm phần lớn khách hàng doanh nghiệp nước ngoài làm việc trong nước. Chuỗi giá trị hiện đang vận hành bởi Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh 2 tại Lâm Đồng với giải pháp “làm ít hơn để được nhiều hơn”.
Khách tham quan thưởng thức rau, củ, quả hữu cơ tại khu vườn Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh 2 tại Lâm Đồng |
• RAU HỮU CƠ HAI MÙA MƯA NẮNG
Về thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng giữa mùa thu năm nay, phóng viên cùng với các chuyên gia nông nghiệp hữu cơ trong nước trải nghiệm, đánh giá quy trình làm “ít hơn để đươc nhiều hơn” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh 2 tại Lâm Đồng. Ở khu vực 4.000 m2 nhà kính dẫn lối vào với những hàng cây hoa cúc, hương thảo phát tán mùi hương xua đuổi côn trùng có hại và tạo môi trường cho thiên địch nhân đàn. Bốn bề nhà kính giăng những tấm lưới chắn sâu bệnh. Trên nóc nhà kính là hệ thống lưới cắt nắng, điều hòa nhiệt độ. Dưới mặt đất thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt dẫn nước tưới tự động xuống từng bộ rễ cây rau, củ, quả. Tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cùng các chuyên gia trong nước xới lên mấy xẻng đất bên gốc rau sú tím, ghi nhận độ ẩm sạch bệnh, tơi xốp, thoáng khí cho vi sinh vật có lợi phát triển.
Trao đổi cùng các chuyên gia đầu ngành Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, kỹ sư nông nghiệp của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam Trương Thị Mỹ Diên cho biết, trước khi xuống giống trồng các loại rau hữu cơ khoảng một tuần, công ty tiến hành xới đất, lên luống, bón lót phân hữu cơ. Toàn bộ cây giống do công ty nhập hạt về từ châu Âu, ươm trồng trong vỉ giá thể hữu cơ của công ty khoảng 3 – 4 tuần đưa trồng trực tiếp vào đất. Thời gian cây rau sinh trưởng hơn một tuần bắt đầu “kích hoạt” hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, thời điểm mưa nhiều thì 2 ngày tưới một lần 10 – 15 phút. Đang là thời điểm tháng 9/2023 – tháng cuối cùng của mùa mưa Lâm Đồng, công ty chọn hơn 10 giống rau canh tác phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu giao mùa và nhu cầu của thị trường cao cấp như: rau họ thập tự, củ dền, bông cải, cà chua bi, xà lách…
“Nguồn nước tưới cây rau hữu cơ của công ty chúng tôi từ 2 chiếc giếng khoan sâu trong lòng đất bơm lên qua hệ thống lắng lọc công nghệ cao. Chủng loại rau luân canh trong nhà kính hàng năm trồng thêm ít nhất một lứa cây họ đậu theo tiêu chí canh tác hữu cơ của Mỹ, châu Âu, nhằm tái tạo và tăng thêm các thành phần dinh dưỡng trong đất…”, kỹ sư Trương Thị Mỹ Diên cho hay. Như trong một năm hai mùa mưa nắng vừa qua, công ty trồng đạt chuẩn quy trình hữu cơ và thu hoạch lần lượt trên diện tích 1.000 m2 nhà kính gồm xà lách, bông cải trắng, củ dền, cà chua bi và đậu cove. Trong đó riêng mùa khô từ tháng 10 năm trước sang tháng 4 năm sau, công ty bố trí 3.000 – 4.000 m2 diện tích đất ngoài trời trồng luân canh hữu cơ với rau xà lách, bắp, khoai tây và đậu các loại. Cũng như trong mùa mưa, cây trồng hữu cơ của công ty mùa khô phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học, các cây trồng đối kháng và hàng ngày người sản xuất thăm vườn trực tiếp bắt sâu. Đặc biệt, giải pháp chủ lực của công ty tăng “sức khỏe” cây trồng bằng bổ sung “nguồn thức ăn” phân hữu cơ để đề kháng bệnh hại. Trung bình mỗi tháng tận dụng 2 tấn phụ phẩm rau, củ, quả tại chỗ phối trộn với 500 kg phân bò, dê ủ với men sinh học thời gian 3 tháng, trở thành phân bón hữu cơ sử dụng toàn bộ các khu vườn trồng trọt của công ty…
• GIẢM NĂNG SUẤT, TĂNG GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
Ông Trần Văn Tuận – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh 2 tại Lâm Đồng sản xuất các loại rau theo chuỗi giá trị toàn cầu ổn định khoảng 2 ha tại khu vực xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, được cấp Chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Đây là phần diện tích nằm trong tổng diện tích gần 1.415 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ toàn tỉnh Lâm Đồng với các sản phẩm rau, nấm, cà phê, mắc ca, lúa, măng cụt, nếp quýt, điều, chuối, măng tây, phúc bồn tử, cỏ chăn nuôi, trà, bồ công anh, tía tô, gừng…
Trong đa dạng các loại rau hữu cơ, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh 2 tại Lâm Đồng 3 năm qua, sản xuất rau hoa tuyết nhập hạt giống về từ châu Âu, mỗi ngày thu hoạch khoảng 10 kg phân phối đến hệ thống siêu thị và nhà hàng cao cấp trong nước. Năm đầu tiên công ty sản xuất rau hoa tuyết trên giàn nhiều tầng, tưới bằng nước biển. Từ năm thứ 2 trở đi, công ty đã nghiên cứu và thực hành thành công trồng rau hoa tuyết trực tiếp xuống đất, tưới nhỏ giọt bằng nước ngọt bơm lên từ giếng khoan, bón phân hữu cơ ủ hoai mục tại công ty.
“Rau hoa tuyết là loại rau ăn sống có 3 vị đặc trưng dịu ngọt, chua thanh và mằn mặn rất ưa thích đối với thực khách trong nước và nước ngoài, tiêu thụ trong tháng 9/2023 ổn định mỗi ký từ 410.000 đồng bán sỉ và 510.000 đồng bán lẻ…”, chị Nguyễn Thị Phượng – Giám đốc Chi nhánh 2 tại Lâm Đồng – Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam thổ lộ.
Và chị Phượng cũng cho biết thêm, tổng sản lượng rau hữu cơ sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị toàn cầu của công ty hàng tháng 6 – 7 tấn theo đơn hàng đến hệ thống siêu thị và nhà hàng, khách sạn hạng sao trong nước. Nếu so với giải pháp sản xuất thông thường thì giải pháp sản xuất hữu cơ của công ty đạt sản lượng chỉ bằng 70 – 80% trong mùa khô và 30 – 40% trong mùa mưa. Ngược lại giá bán rau hữu cơ luôn tăng hơn gấp 3 lần giá bán rau thông thường.
“Làm ít hơn để được nhiều hơn”, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh 2 tại Lâm Đồng đang chủ trì mở rộng liên kết hơn 1,6 ha với 6 nông hộ xã nông thôn mới Hiệp An, Đức Trọng, từng bước lan tỏa quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu chuyển đổi từ tiêu chuẩn VietGAP sang tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu…
(CÒN NỮA)