Vào những ngày này, công chúng yêu mỹ thuật được thưởng lãm những tác phẩm đầy cảm hứng trong triển lãm “Mộng bình thường” của họa sĩ Trần Quốc Long – một tên tuổi nổi bật trong dòng tranh sơn mài đương đại Việt Nam đang “ẩn mình” trong không gian tươi đẹp của Đà Lạt, miệt mài sáng tạo.
Họa sĩ Trần Quốc Long giao lưu cùng khán giả, chia sẻ ý tưởng sáng tạo của mình |
Họa sĩ Trần Quốc Long, sinh năm 1981 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh sinh sống nhiều nơi, trải nghiệm nhiều vùng đất, rồi chọn Đà Lạt định cư. Với anh, sáng tạo nghệ thuật là để thỏa niềm đam mê, để tự viết nên câu chuyện của cuộc đời mình. Trên hành trình sáng tạo ấy, anh luôn đau đáu câu hỏi “Hạnh phúc là gì”. Có phải là những giấc mộng xa xôi, hay là những điều quá đỗi gần gũi. Để rồi câu trả lời, hạnh phúc không ở đâu xa mà chỉ ở quanh đây thôi, chỉ là những giấc mộng bình thường.
Họa sĩ Trần Quốc Long nói lên cảm xúc của mình tại triển lãm Mộng bình thường |
• “THONG DONG GIỮA GIẤC MỘNG BÌNH THƯỜNG”
Với 28 tác phẩm về thiên nhiên, con người bình dị, mộc mạc bằng chất liệu sơn mài truyền thống với phong cách riêng biệt, độc đáo trong triển lãm “Mộng bình thường”, họa sĩ đã đưa người xem nhận thấy vẻ đẹp dữ dội mà hài hòa, bí ẩn mà phóng khoáng khiến người ta phải xóa nhòa định nghĩa về cái đẹp trong tâm trí. Vẻ đẹp trong sự hỗn loạn thể hiện một cách rất đời, rất người như bản chất của cuộc sống. Ở đó, một áng mây trôi vô định, vài ánh nắng xuyên qua tĩnh vật, một thành phố trong màn sương, một tiếng dương cầm xa xôi, hay tiếng cô hàng xóm, đôi khi ngồi uống cà phê thấy một gương mặt qua đường, bắt gặp ánh mắt lo lắng của ai đó lại phác thảo nên một bức tranh.
Có khi nhớ quê hương, nhìn mây Đà Lạt lại nghĩ chắc mây quê mình nó cũng đẹp như vậy. Cuộc đời không phải những gì cao sang, mà là những gì mình thấy hàng ngày, những dòng suy nghĩ hàng ngày. Tất cả những ý niệm rất bình thường ấy khi dội vào người nghệ sĩ, khơi gợi óc sáng tạo, niềm thăng hoa, để từ đó những tác phẩm nghệ thuật được ra đời và mang những cái tên bình dị, mộc mạc như chính những ý niệm: Ký họa cô gái, Chân dung cựu chiến binh, Tình mẫu tử, Cô hàng xóm, Cô gái uống rượu, Cô gái mù chơi vĩ cầm, Cô gái suy tư, Tháng Tư về, Biển cạn, Thuyền và bến, Thuyền về, Mây lang thang, Cơn giông trên đảo, Thành phố trong mơ, Tĩnh vật hoa quả…
Tác phẩm Cô gái mù chơi vĩ cầm |
Tuy là “mộng bình thường”, nhưng không bình thường chút nào, mỗi bức tranh ẩn chứa một câu chuyện. Đặc biệt, tác phẩm “Chân dung cựu chiến binh” được họa sĩ tâm đắc nhất mang một chủ đề khác biệt, không lãng mạn mà gai góc. Bức tranh được vẽ nên từ mối giao cảm của họa sĩ và cựu chiến binh – một người lái xe thường xuyên phụ chở tranh. Trước lời đề nghị chân thành “Long vẽ chân dung chú đi, vẽ theo những tiêu chí khác”, qua 15 phút ngồi với nhau, những ý niệm dội vào họa sĩ, anh ngẫm: “Cuộc đời là những phút giây đối diện với nhau, nếu vẽ chân dung chú mà vẽ giống chú thì chụp ảnh cho xong”. Những câu chuyện chú kể, những lời chú nói dội về: “Ngày xưa bom đạn không chết, giờ cuộc sống xô bồ lại chết; những tấm huy chương xưa điểm tô thời tuổi trẻ, giờ trở về cuộc đời mới rồi, những dấu son đó đã qua rồi, mình cũng phải nỗ lực lao động chăm lo cuộc sống…”. Tất cả như “bay” lên trong từng nét vẽ chân dung về một con người, khiến chính “nguyên mẫu” phải ngỡ ngàng, khi một người trẻ chưa đi qua chiến tranh đã vẽ nên câu chuyện hàm chứa cả chiến tranh và cuộc sống đời thường chỉ qua một bức chân dung giản dị.
Tác phẩm Tình mẫu tử |
• “NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI THĂNG HOA TRÊN CHẤT LIỆU SƠN MÀI TRUYỀN THỐNG”
Kỹ thuật sơn mài là một chất liệu độc đáo của hội họa Việt Nam. Họa sĩ Trần Quốc Long cho biết, chọn chất liệu sơn mài là cơ duyên, lúc vừa vào trường mỹ thuật, các thầy mong muốn những người trẻ tuổi phải viết tiếp câu chuyện với sơn truyền thống, với chất liệu đẹp đẽ của dân tộc và đặt kỳ vọng anh sẽ là người đi xa với sơn mài. Hơn 30 năm âm thầm trên con đường thực hành nghệ thuật bằng chất liệu sơn mài truyền thống, dùng sơn ta để thăng hoa ý tưởng, họa sĩ Trần Quốc Long đã chọn cho mình một lối đi rất riêng. Anh đã khéo léo kết hợp hài hòa giữa chất liệu truyền thống và nghệ thuật đương đại, chọn vẽ nên giấc mộng bình thường bằng sơn mài, phá vỡ mọi quy tắc của tranh sơn mài truyền thống.
Họa sĩ Trần Quốc Long tâm sự: “Thay vì trước đây màu trắng cứ phải dùng trứng, bởi ngày xưa sơn lên tấm ván đen khó nên lúc nào cũng phải dùng trứng, mà nghệ thuật đương đại đâu chỉ có dùng vỏ trứng, đó là một thứ công thức, mà nghệ sĩ thì không nên công thức, nó phải phiêu. Có thể không ai gọi mình là nghệ sĩ, nhưng lúc mình vẽ tranh mình phải là nghệ sĩ của chính mình, vẽ phải vui, vẽ phải yêu cuộc đời này. Phải làm cách gì để đưa sơn mài, nghệ thuật sơn mài truyền thống lên một tầm cao khác.
Với những khám phá mới mẻ trên nền chất liệu sơn ta, khả năng sử dụng kỹ thuật chất liệu sơn mài kết hợp nhuần nhuyễn với tài năng họa hình, tạo nên những bức tranh đời thường, không trau chuốt mà hoang dã, không mỹ miều mà gai góc, ẩn chứa đầy chiều sâu. Họa sĩ Trần Quốc Long quay về với bản thể chất phác và đơn sơ, dung dị, tạo cho tranh sơn mài một sức sống mới. Đắm mình cảm nhận sẽ thấy được độ sâu, độ trong, sáng và tối, để thấy mình như bị cuốn vào giấc “mộng bình thường” của người họa sĩ.
Hơn 40 tuổi đời, xuống biển, lên rừng, cuộc rong dạo như đã thỏa, không hòa mình trong đám đông, cũng không tỏa sáng rực rỡ, mà lùi về một góc riêng của mình lặng lẽ sáng tạo trong căn nhà nhỏ tại Đà Lạt, sống ẩn mình để viết nên những câu chuyện đẹp, tận hưởng hạnh phúc trên từng bước đi với con đường nghệ thuật và đời thường an yên. Đất trời Đà Lạt tươi đẹp, họa sĩ Trần Quốc Long tận hưởng hạnh phúc với đời, với người để tiếp tục vẽ nên những giấc mộng bình thường.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/ve-nen-nhung-giac-mong-binh-thuong-137305c/