Văn hóa học đường không chỉ là một phương cách hữu hiệu để giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn là nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường là một công việc quan trọng, khó khăn, lâu dài, không thể làm một lúc mà phải kiên trì thông qua nhà trường, bằng con đường giáo dục mới có thể đạt được thành quả vững chắc.
Có thể nói, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những con người phát triển toàn diện: đức – trí – thể – mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, văn hóa học đường tại nhiều nơi có biểu hiện xuống cấp; nội dung, hình thức giáo dục khô cứng, thiếu hấp dẫn; bộ quy tắc ứng xử thiếu sáng tạo, thậm chí được xây dựng mang tính đối phó. Nhiều trường học chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng văn hóa học đường dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, thậm chí lệch chuẩn nghiêm trọng trong học hành, cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử, trong các mối quan hệ cơ bản của học đường, dẫn đến mối quan hệ “thầy – trò” có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực; tình trạng bạo lực học đường, lối sống vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, thầy cô, bạn bè vẫn còn xảy ra… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, mà còn gây tổn hại đến môi trường học đường. Đây thực sự là những báo động đáng lo ngại và trở thành vấn đề “nóng” của xã hội, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Vì vậy, xây dựng văn hóa học đường được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm không chỉ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mà còn đối với toàn xã hội.
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngày 1/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nêu rõ: “tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa học đường tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tin, khát vọng, tự hào dân tộc đối với học sinh, sinh viên”. Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều quy định liên quan đến xây dựng văn hóa học đường như: Quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên… Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên cả nước đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, góp phần rèn nền nếp học tập, ứng xử văn hóa cho người học; phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội; củng cố mối quan hệ thân thiện giữa thầy với thầy, thầy với trò và trò với trò…
Việc xây dựng văn hóa học đường được xác định là một công việc quan trọng, lâu dài, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Do đó để thành công đòi hỏi chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ và phải kiên quyết và kiên trì thực hiện. Trước hết, phải nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau. Việc xây dựng văn hóa học đường là nhằm tạo môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất và đậm chất văn hóa nhất để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những con người phát triển toàn diện. Thứ hai, có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến văn hóa học đường, đó là: nhà trường (cơ sở vật chất, sách giáo khoa, đội ngũ giảng dạy và quản lý); môi trường giáo dục; văn hóa ứng xử – giao tiếp. Theo đó, đòi hỏi nhà trường phải: trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học…; môi trường giáo dục phải là “trường học thân thiện, học sinh tích cực” với 6 đặc trưng: trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả; văn hóa ứng xử, giao tiếp (ở gia đình, nhà trường và ngoài xã hội) đó là lễ phép, tử tế, lời hay ý đẹp, kính trên nhường dưới, lịch thiệp, thực thà, nền nếp, hợp tác, chia sẻ, khoan dung…
Thứ ba, cần phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập các nguyên tắc ứng xử; huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động…; tăng cường những yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của gia đình và xã hội nhằm tạo niềm tin về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Thứ tư, việc xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, từ lãnh đạo các trường học. Theo đó, ngành GD&ĐT, các trường học phải có chủ trương, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, tránh hình thức; phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các giáo viên trong xây dựng văn hóa học đường; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện; xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện… Mỗi trường học phải có “Hệ giá trị” làm chuẩn mực để giáo viên, học sinh lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của bản thân, của lớp, của trường, rộng hơn là của cả ngành.
Thứ năm, xây dựng văn hóa học đường và nâng cao văn hóa học đường đòi hỏi tiến hành những việc làm cụ thể đi liền với những nội dung, đối tượng cụ thể trong môi trường sư phạm; phải gắn liền với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 nói riêng.
Thứ sáu, văn hóa học đường nếu chỉ riêng ngành GD&ĐT thì không thể làm được mà phải có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn không chỉ của riêng ngành GD&ĐT, mà là của toàn xã hội. Vì vậy, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội là điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công.