(LĐ online) – UBND tỉnh vừa có kết luận không xem xét cho thuê rừng đối với các dự án đầu tư có vướng mắc trong việc thuê rừng phòng hộ vì không thuộc trường hợp được cho thuê rừng theo quy định Luật Lâm nghiệp. Các chủ dự án được xem xét cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định tại Điều 56 Luật Lâm nghiệp.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Đam Rông |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp/12 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng tài sản trên đất có diện tích rừng phòng hộ sau ngày 01/01/2019 nên không được thuê rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, do đó không thể hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án. Trong đó, có 5 dự án đã được cho thuê đất lâm nghiệp nhưng không được cho thuê rừng; 2 dự án đã có chủ trương chuyển nhượng dự án; và 5 dự án đã có chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sớm hoàn thiện thủ tục triển khai dự án, đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quản lý chặt chẽ và hiệu quả tài nguyên rừng; ngày 22/9/2023, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp và Nguyễn Ngọc Phúc đã chủ trì buổi làm việc về giải pháp xử lý đối với các dự án có vướng mắc trong việc thuê rừng phòng hộ và thống nhất không xem xét việc cho thuê rừng đối với 12 dự án này vì không thuộc trường hợp được cho thuê rừng theo quy định Luật Lâm nghiệp. Các chủ dự án được xem xét cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định tại Điều 56 Luật Lâm nghiệp.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi diện tích rừng phòng hộ đã cho thuê đối với các chủ đầu tư cũ; giao diện tích rừng đã cho thuê cho chủ rừng Nhà nước quản lý.