Ngoài những địa danh từng làm nên “thương hiệu” trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm tại Quảng Trị thì bến đò Tùng Luật nằm ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh là địa danh lịch sử được nhiều người biết đến. Nhắc đến địa danh này, ngoài lòng biết ơn, tự hào, chúng ta không khỏi cảm phục tinh thần anh dũng, bất khuất của quân và dân Vĩnh Linh anh hùng.
Di tích bến đò Tùng Luật |
Quảng Trị mùa thu, mây trắng là đà bay, trời về chiều, bến đò Tùng Luật trầm mặc, xa xa những chiếc thuyền của ngư dân chuẩn bị cập bến. Cách dòng sông Bến Hải không xa, chúng tôi tìm về bến đò Tùng Luật để hoài niệm về một thời quá khứ gian khổ nhưng anh hùng của người dân nơi đây. Không quá nguy nga, bề thế, diện tích cũng không rộng lớn nhưng khi tìm hiểu về địa danh này rất nhiều người trong chúng tôi quá đỗi tự hào. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cầu Hiền Lương tại Quảng Trị được lấy làm giới tuyến quân sự giữa 2 miền Nam – Bắc để chờ đến ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vậy nhưng ngày tổng tuyển cử không được diễn ra theo Hiệp định, chính quyền Mỹ muốn chia cắt đất nước ta lâu dài nên ròng rã suốt 20 năm đất nước Việt Nam bị chia cắt. Thời gian này, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được coi là mảnh đất bị địch đánh phá ác liệt. Thế nhưng, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy, quân và dân Vĩnh Linh đã không chịu khuất phục, trường kỳ và bền bỉ trong cuộc đấu tranh với mục đích cuối cùng là thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền của quốc gia, dân tộc.
Nhằm thực hiện kế hoạch “lấp sông Bến Hải – Bắc tiến” từ năm 1958, chính quyền Mỹ – Diệm tăng cường phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Các tuyến đường giới tuyến bị chấm dứt. Trước tình hình này, bến đò Tùng Luật hay còn gọi là bến đò B được xem là tuyến đường huyết mạch để đưa đón bộ đội, cán bộ giải phóng, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược sang bờ Nam phục vụ công cuộc đấu tranh của dân tộc. Là một địa điểm có vị trí chiến lược rất quan trọng, cách Cửa Tùng không xa là nơi để vận chuyển, tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, bến đò Tùng Luật đã được Bộ Chỉ huy Quân sự Đặc khu Vĩnh Linh chọn để thực hiện sứ mệnh lịch sử. Chính vì vai trò và vị trí cực kỳ quan trọng như vậy nên bến đò Tùng Luật đã bị địch quan tâm rất kỹ lưỡng, trở thành trọng điểm đánh phá tấn công của kẻ thù. Theo những tài liệu lịch sử ghi lại thì suốt trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, bến đò Tùng Luật là nơi đã gánh chịu hàng chục trận đánh, càn quét của địch. Để đánh phá địa điểm này, địch huy động hơn 1.000 lượt máy bay với hơn 3.000 lần ném bom, có ngày, địch ném xuống bến đò này cả ngàn quả đạn pháo. Vậy nhưng sự ác liệt, càn quét của kẻ thù không làm khuất phục quân và dân Vĩnh Linh. Họ bất chấp ngày đêm, bom đạn, vững tay chèo, thực hiện thành công những đợt tiếp tế quân lương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ năm 1968 đến 1972, tại bến đò B, đã có hơn 78.000 lượt chuyến đò qua lại, vận chuyển trên 2 triệu lượt người và hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa.
Tinh thần anh dũng, kiên cường, không sợ hy sinh, không tiếc xương máu của những người con đất thép Vĩnh Linh đã làm nhụt chí kẻ thù. Bến đò Tùng Luật đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước trong cuộc chiến đấu, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Với những chiến công oanh liệt trong chiến tranh, quân dân Vĩnh Giang được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang và bến đò Tùng Luật được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996. Tùng Luật vẫn mãi là một điểm đến để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.