(LĐ online) – Việt Nam có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, tỷ lệ dân số có tín ngưỡng, tôn giáo chiếm 27% dân số cả nước với trên 27 triệu tín đồ, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 144 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. So với năm 2022, số lượng tín đồ tăng gần 56.000 người, chức sắc tăng 814 người, cơ sở thờ tự tăng 142 cơ sở.
Là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, hiện ở nước ta có 50.703 cơ sở tín ngưỡng; trong đó, khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới…
Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo rất đa dạng với nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành ngày hội của cộng đồng dân cư như: Lễ Giáng sinh của Công giáo; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh… Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng Nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.
Thế nhưng, bấy lâu nay, lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam luôn là chiêu bài mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội phản động thường xuyên sử dụng. Có thể dễ dàng bắt gặp trên không gian mạng nhiều hình ảnh, video clip được cắt ghép, chỉnh sửa tinh vi với nội dung so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng các tín đồ; xuyên tạc chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, bôi nhọ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Từ đó, tạo sự đối lập giữa các tôn giáo với luận điệu: Nhà nước đang ủng hộ, hẫu thuẫn, coi trọng tôn giáo này, bóp nghẹt tôn giáo kia; đồng thời, phủ nhận chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta…
Hiện, có hàng nghìn website, fanpage của các tổ chức phản động lưu vong đã và đang tuyên truyền thông tin xuyên tạc về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Nổi lên là trang web của các tổ chức như: Việt Tân, Ủy ban cứu người vượt biển và nhiều website khác…
Thời gian gần đây, nhiều website, trang fanpage đã tung ra những luận điệu chỉ trích chính quyền, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể: Fanpage Việt Tân xuyên tạc “Ở Việt nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo”; “Nhà nước không muốn tôn giáo độc lập nên không cho Hội Thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên hoạt động”; “Thầy truyền đạo Y Krếc Byă bị nhà nước vu khống. Một người chỉ đấu tranh vì tự do tôn giáo, không có ý định chống phá nhà nước”. Y Krếc Byă là đối tượng vi phạm pháp luật mà lại được tâng bốc, nêu gương như một người lương thiện, “người thầy” truyền đạo đáng kính… thì thật lố bịch.
Và trong thực tế, chỉ cần một hiện tượng mạng xã hội, các thế lực thù địch, các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam sẽ ra sức xuyên tạc, cáo buộc chính quyền ngăn chặn tự do tín ngưỡng, tôn giáo… Ví dụ như “hiện tượng Thích Minh Tuệ”; qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đều biết “Thích Minh Tuệ” không phải là tu sỹ Phật giáo, chỉ là một người có tín ngưỡng và đang thực hành một phương pháp “tu tập” tương tự phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” của Phật giáo… Thế nhưng, một số tổ chức, cá nhân cực đoan ở trong và ngoài nước đã lợi dụng sự việc này để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam (điển hình như sau khi có thông tin cán bộ tại một địa phương ngăn cản đám đông bộ hành tại một nghĩa trang, thì trang fanpage Việt Tân đã giật tiêu đề “chính quyền không cho thầy Minh Tuệ dừng chân qua đêm”, kích động nhiều bình luận chống phá…); kích động tăng, ni, phật tử và Nhân dân tu theo “Thích Minh Tuệ”, tẩy chay tăng, ni Phật giáo, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các tôn giáo…
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo; tất cả đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, bảo đảm các tôn giáo hoạt động, phát triển theo đúng Hiến chương, Điều lệ; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và Hiến chương, Điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Sách trắng Tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ Ban hành năm 2023 đã mở đầu bằng khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Tôn giáo ở Việt Nam được ví như bức tranh thu nhỏ của tôn giáo trên thế giới”.
Điều này càng khẳng định rõ ràng rằng, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở Việt Nam được thừa nhận, và tôn giáo ở Việt Nam chính là một phần thu nhỏ của hệ thống tôn giáo trên toàn thế giới, thể hiện tính chất đa tôn giáo trong đời sống của người Việt Nam. Đảm bảo quyền tự do tôn giáo chính là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta; luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện với ý chí và quyết tâm cao.
Trong thực tế, các tôn giáo ở Việt Nam đều có tổ chức chặt chẽ, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, một số có hệ thống tổ chức từ nước ngoài. Các tôn giáo có sự gắn bó mật thiết theo quy định của giáo lý, giáo luật, có tính liên thông, truyền thông nhanh chóng trong toàn cộng đồng tôn giáo.
Chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, được ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp như mọi công dân khác theo quy định của pháp luật. Quốc hội khóa XV có 05 đại biểu là chức sắc, nhà tu hành tôn giáo. Hiện nay, có trên 10 nghìn chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo là đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tổ chức, cá nhân theo tôn giáo được tạo điều kiện tham gia hoạt động quốc tế. Tính từ năm 2011 đến nay, có khoảng gần 2.000 lượt cá nhân theo tôn giáo xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến tôn giáo; gần 500 đoàn khách nước ngoài với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu, hướng dẫn đạo tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam, tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo Việt Nam tổ chức…
Bức tranh sinh động trên đã chứng minh những chiêu bài lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch chỉ là những lời lẽ vu khống, bịa đặt, thiếu căn cứ mà tất cả chúng ta cần nhận diện và thẳng thắn phản bác. Việc nhận diện và phản bác các luận điệu xuyên tạc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng trong nước và quốc tế nắm rõ, nhận thức đúng đắn về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta; góp phần bảo vệ khối đoàn kết toàn dân; đồng thời, là cơ hội để gìn giữ, thắt chặt mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202412/tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-su-that-khong-the-phu-nhan-0280c95/