Giữa vụ thu hoạch rộ măng cụt, đất núi Bảo Lộc thêm màu tím sẫm của những trái măng cụt chín. Sau nhiều giai đoạn triển khai, trái măng cụt xứ núi đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc, tự hào chứng minh vị thế của loại trái cây đặc sản.
Dán tem truy xuất nguồn gốc cho trái măng cụt Bảo Lộc |
Ông Vũ Phi Hùng ngụ đường Lê Đình Chinh, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc đang thu hoạch măng cụt để xuất bán xuống các vựa trái cây, cửa hàng trái cây tại TP Hồ Chí Minh. Được biết, ông là nông dân trồng măng cụt có quy mô ở phố núi B’Lao. Với diện tích trên 4 ha măng cụt với 700 cây, trong có 250 cây đang cho trái, chủ lực là 200 cây trồng lứa đầu tiên, ông Hùng mỗi năm thu được từ 15 – 20 tấn trái. Cá biệt, có những cây măng cụt đã trên 50 tuổi, thuộc dạng những cây măng cụt đầu tiên được trồng tại Bảo Lộc giờ vẫn ra hoa kết quả, cho năng suất cao.
Khác với vụ măng cụt mọi năm, thu hoạch xong đóng gói, chuyển xuống nơi thu mua, vụ măng cụt năm nay, ông Hùng có thêm 1 khâu trong quá trình đóng gói, đó là dán tem truy xuất nguồn gốc lên trái măng cụt. Nếu đóng theo thùng, sau khi niêm phong kỹ, từng thùng cũng được dán tem truy xuất. Ông Vũ Phi Hùng cho biết, người tiêu dùng, nhà buôn chỉ cần sử dụng điện thoại đi động, quét lên tem là biết được đây chính là trái măng cụt của đất B’Lao, với những thông tin cơ bản như nguồn gốc, cách sử dụng… Ông Hùng thông tin: “Đây là số lượng tem do Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc trao cho nông dân để dán lên măng cụt của chúng tôi. Yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất là người nông dân phải đảm bảo tem dán đúng trên trái măng cụt Bảo Lộc và phụ cận, tránh tình trạng trộn trái măng cụt nơi khác, ảnh hưởng tới uy tín măng cụt Bảo Lộc”.
Với trên 300 ha trồng măng cụt toàn thành phố, trái măng cụt đang dần trở thành loại trái cây nổi tiếng của Bảo Lộc. Măng cụt Bảo Lộc có chất lượng rất khác biệt so với măng cụt các vùng khác. “Do khí hậu và thổ nhưỡng ở đây nên trái măng cụt rất ngon, lớp vỏ mỏng, đẹp, căng mịn và bóng đều, cơm dày – trắng muốt, độ chua ngọt rất thanh và ít hư. Thêm nữa, măng cụt Bảo Lộc lệch vụ thu hoạch với nơi khác, mọi nơi tháng 6, tháng 7 chính vụ thì măng cụt Bảo Lộc phải tháng 8 mới có thu, tháng 9, tháng 10 mới rộ”, bà Trần Thị Hoa, nông dân trồng măng cụt phường B’Lao chia sẻ. Cũng vì vậy, trái măng cụt Bảo Lộc đã dần dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trái cây Việt.
Ông Trương Quốc Lợi – Chủ tịch Hội Nông dân phường B’Lao cũng cho biết, trên địa bàn phường có nhiều hộ trồng măng cụt với dạng cây to cho cả tạ trái mỗi vụ hay cây nhỏ mới trồng cũng có. Từ hiệu quả thực tế từ cây măng cụt, nông dân đang mở rộng diện tích theo hai hình thức trồng xen và trồng thuần. Bà con cũng tập trung thành tổ hội, chi hội nghề nghiệp, được Hội Nông dân thành phố hỗ trợ, mời chuyên gia về chuyển giao kỹ thuật trồng măng cụt, kỹ thuật trị bệnh nứt vỏ, xì mủ. Điều bà con mong mỏi là thành phố xây dựng thương hiệu “Măng cụt Bảo Lộc”, đồng hành cùng nông dân phổ biến rộng rãi thương hiệu măng cụt phố núi, giúp trái măng cụt dành được chỗ đứng trên thị trường.
Đến năm 2023, TP Bảo Lộc đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản và quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết hợp việc lập hồ sơ xin cấp mã vùng trồng, mã đóng gói, gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm măng cụt Bảo Lộc. Đồng thời, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện để các nông hộ, các trang trại, các công ty nông nghiệp quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường.
Được biết, số nông hộ, trang trại được TP Bảo Lộc cấp tem truy xuất nguồn gốc măng cụt chưa nhiều. Tuy nhiên, các nông hộ, trang trại này đều là các địa chỉ đứng đầu chuỗi liên kết thu mua. Như hộ ông Vũ Phi Hùng là một điển hình. Dù vườn nhà chỉ có 15-20 tấn/năm nhưng ông Hùng còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho trên 60 nông hộ ở các vùng lân cận với sản lượng 100 – 150 tấn/năm. Những nông hộ trồng xen với số lượng măng cụt không cao chọn liên kết, cung cấp trái cho ông Hùng, từ đầu mối của ông cung cấp ra thị trường. Bởi vậy, tem truy xuất được ông Hùng sử dụng cho tất cả sản phẩm măng cụt của nông dân trong khu vực.
Điều quan trọng nhất vẫn là TP Bảo Lộc đang đồng hành cùng nông dân mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng, chất lượng một cách bền vững. Trong đó, Bảo Lộc đồng hành cùng người nông dân giám sát chặt chẽ việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc đúng mục đích, xây dựng uy tín cho trái măng cụt B’Lao.