Minh họa: Phan Nhân |
Hoàng hôn vừa tắt, bóng tối phủ trùm khắp cánh rừng miền Đông Nam Bộ, ông Hùng vội vã trở về căn lều. Đã chục ngày lang thang trong rừng, ông cảm thấy mệt mỏi. Thêm củi cho đống lửa cháy thật lớn, ngồi bó gối, nhìn hút vào bóng đêm, trong ông, bao ý nghĩ miên man rối bời. Xa xa, con tắc kè tặc lưỡi khắc khoải. Tiếng con tắc kè lê thê ai oán khiến ông khẽ rùng mình. Đã là lần thứ tám ông về cánh rừng này tìm hài cốt của Tâm, người bạn, người đồng đội cùng ông vào sinh ra tử. Ngày Tâm hy sinh, chỉ với chiếc lưỡi lê ông móc đất chôn bạn giữa rừng, bên gốc cây sao, đặt thêm viên đá khắc tên với hi vọng, ngày đất nước thống nhất, nếu còn sống ông sẽ tìm, đưa Tâm trở về. Nhưng, cuộc đời binh nghiệp cứ kéo ông đi, hết đánh Mỹ lại đánh Pol Pot, tới khi chuyển ngành, ông mới có thời gian đi tìm Tâm. Những lần đến khu rừng này với quỹ thời gian nghỉ phép ngắn ngủi, ông chưa tìm được bạn mình. Mỗi lần về gặp mẹ Tâm, nhìn mẹ héo hắt, mái tóc trắng lưa thưa, đôi tay khô gầy ôm tấm hình Tâm, mắt ậc nước, giọng mẹ run run: Con ráng đưa thằng Tâm về với mẹ…! Nghe những lời của mẹ, tim ông như có bàn tay bóp nghẹt đau nhói. Từ ngày nghỉ hưu, đã mấy lần ông khăn gói tìm Tâm nhưng chưa được. Lần trở lại này, ông hi vọng đưa được bạn mình về. Mười ngày lặn lội trong rừng, cố tìm cây sao hai nhánh, chiếc lưỡi lê ông găm vô thân cây cùng đôi dép cao su của Tâm. Lục tung trí nhớ, ông cố định vị nơi Tâm nằm vẫn không sao tìm ra. Đốt bó nhang cắm bốn hướng, đứng ngửa mặt, ông cầu khấn: “Tâm ơi… chỉ cho tao chỗ mày nằm… tao đến đón mày về với mẹ đây, mày không chỉ, tao không thể tìm được… Tâm ơi!”. Lời khấn của ông vừa dứt, gió bỗng nổi lên xô nghiêng cánh rừng xào xạc, thổi tung những đốm nhang đỏ rực bay khắp nơi. Có cảm giác như Tâm đã nghe được lời của ông. Ngả lưng lên võng, mắt hướng vào khoảng không vô định. Một ngôi sao lọt qua kẽ lá lấp lánh như đôi mắt Tâm đang nhìn ông và muốn nói điều gì khiến ông rất bồn chồn. Nửa thế kỷ qua đi, cánh rừng tan hoang bom cày đạn xới ngày xưa, nay xanh thẳm, rậm rì khiến ông không thể tìm ra nơi Tâm nằm.
Tiếng con tắc kè tan loãng giữa đại ngàn, ký ức cùng Tâm lại hiện về trong ông.
…
Cùng học Khoa Mỏ địa chất, Hùng và Tâm kết thân ngay từ những năm đầu trên giảng đường. Bố hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hai chị gái đã xuất giá, Tâm là đối tượng ưu tiên, không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tâm học giỏi, được cử đi du học tại Liên bang Nga, nhưng Tâm đã chọn cho mình con đường gian khổ nhất.
Cuối năm 1971, tình hình chiến sự trở nên nóng bỏng trên khắp các chiến trường, từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, miền Đông Nam Bộ… thúc giục thanh niên cả nước tình nguyện nhập ngũ. Sinh viên Khoa Mỏ Địa chất ai cũng viết đơn tình nguyện mong được ra chiến trường. Vốn ít nói, những ngày ấy Tâm càng ít nói hơn, cả ngày lầm lì. Giờ nghỉ tiết thường ngồi một mình, đôi mắt nhìn xa xăm.
Bữa nhận giấy báo nhập ngũ, Hùng nhảy chân sáo, về khoe với Tâm: “Tao đã đạt được ước nguyện, mày ở lại học tập tốt nghe. Đất nước thống nhất, mày sẽ là hạt nhân xây dựng lại quê hương đấy”. Chờ Hùng nói xong, giọng Tâm đượm buồn: “Tao sẽ đi cùng mày”. Hùng thảng thốt: “Mày không đùa chứ?”. “Mày nghĩ tao đang đùa sao? Giấy báo nhập ngũ tao đã nhận”. “Vậy còn mẹ mày?”. “Mẹ sẽ buồn nhưng mẹ rất kiên cường…”.
…
Sau bốn tháng huấn luyện, những người lính đặc công được lệnh vào mặt trận. Hai tháng gian nan vượt Trường Sơn, đơn vị có mặt ở Tây Nguyên rồi tiếp tục hành quân xuống phía Nam. Rừng miền Đông Nam Bộ là nơi đứng chân của đơn vị. Địa bàn hoạt động của Trung đoàn trải dài từ thượng nguồn sông Đồng Nai, trong rừng Cát Tiên, kéo tới Sông Bé. Nhiệm vụ của đơn vị – bảo vệ căn cứ Chiến Khu D, Khu ủy Khu VI Trung ương Cục, ngăn chặn những trận càn của địch vào khu căn cứ, đánh phá tàu quân sự di chuyển trên sông Đồng Nai, đột nhập, tập kích các điểm hỏa lực của địch trên quanh khu căn cứ cách mạng. Những trận đánh giữa ta và địch luôn diễn ra vô cùng ác liệt, giành giật nhau từng gốc cây, quả đồi, khúc sông bởi vùng đất này không chỉ là cửa ngõ của Chiến Khu D, rừng Cát Tiên còn là điểm giao quan trọng giữa tuyến đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, nối thông Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Đứng chân trên vùng đất này được hai năm, đại đội của ông đã mất một phần ba quân số, liên tiếp phải bổ sung. Sốt rét rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến hy sinh cho bộ đội. Một lần Tâm bị sốt rất nặng, miệng sùi bọt, người co giật, mấy thằng nằm đè lên Tâm mới bớt run. Sốt tới ngày thứ mười, Tâm không còn phản ứng với không gian, đồng tử bắt đầu giãn. Nghĩ Tâm đã chết, ông cùng đồng đội đưa Tâm ra rừng thì nó đột ngột mở mắt, đôi môi nứt nẻ mấp máy đòi uống nước. Sự sống lại kỳ diệu của Tâm là đề tài bàn tán sôi nổi của cả đại đội trong những thời khắc nghỉ ngắn ngủi giữa những trận đánh. “Thằng Tâm chết đi sống lại như vậy, nó sẽ sống dai phải biết”. “Đúng đấy, nó sẽ sống đến trăm tuổi”. Nghe mọi người bình phẩm, Tâm chỉ cười.
Ngẫm câu bông đùa của mọi người, ông thấy cũng đúng. Tâm đã tham gia cả trăm trận đánh, bị cả chục vết thương, có lần bom vùi mấy tiếng đồng hồ, đồng đội mới tìm thấy cũng chẳng hề hấn gì, nằm bệnh xá vài ngày lại về đơn vị chiến đấu, vẫn xông xáo, dẻo dai. Thế mới lạ! Từ khi vào chiến trường, ông và Tâm luôn ở bên nhau, hai người từng hứa, sẽ sống tới ngày miền Nam giải phóng. Nhưng cuối cùng, Tâm đã ra đi, để lại cho ông nỗi đau vô tận. Chuyến điều nghiên thực địa bữa đó, ông không thể quên.
Cách trung tâm căn cứ chiến khu D chừng hơn chục cây số, bên kia sông Đồng Nai thuộc Khu VI Lâm Đồng là một quả đồi độc lập khá cao. Quả đồi là nơi trú ngụ của bầy khỉ nên người dân tộc bản địa gọi quả đồi là Đồi Khỉ. Lợi dụng độ cao của quả đồi, quân đội Sài Gòn đổ quân, san ủi, biến quả đồi thành trận địa pháo với một khẩu đội 175. Những đợt pháo kích từ đây nhằm vào khu Trung ương cục, Khu ủy Khu VI, khu căn cứ cách mạng vùng III, gây thương vong rất lớn cho cán bộ, bộ đội, du kích.
Một buổi chiều, tại hầm của đại đội có mặt đại đội trưởng, đại đội phó và ba trung đội trưởng. Kho-anh vòng chì đỏ quanh vị trí Đồi Khỉ trên tấm bản đồ, giọng Đại đội trưởng trầm xuống: “Thưa các đồng chí, đây chính là vị trí trận địa pháo của địch, lệnh từ Tiểu đoàn, bằng mọi giá phải điều nghiên, xóa sổ cái trận địa nguy hiểm này. Trên đồi có boong ke kiên cố, một đại đội lính ngụy bảo vệ. Quả đồi không lớn, ba đồng chí đi là đủ. Lọt vào bên trong căn cứ của địch với sự bảo vệ vòng trong vòng ngoài là vô cùng nguy hiểm nên tôi xin lấy tinh thần xung phong”. Đại đội trưởng dứt lời, những người có mặt đều giơ tay. Nhìn khắp lượt, Đại đội trưởng khẽ lắc đầu, giọng nhỏ nhẹ: “Cảm ơn các đồng chí, cho phép tôi chọn vậy. Tôi sẽ đích thân chỉ huy, thêm Tâm và Hùng”. Nghe tới đó, Đệ bật dậy: “Báo cáo Thủ trưởng, em đi thay Tâm. Tâm đứng lên cắt lời Đệ: “Không được! Cậu đã có gia đình, còn con nhỏ, để tớ…”.
Cuộc họp kết thúc, Hùng và Tâm về hầm chuẩn bị. Bảy giờ tối họ xuất phát. Trên người chỉ quần tà lỏn, khẩu AK báng xếp, mấy trái lựu đạn mỏ vịt. Chừng bốn giờ luồn rừng, cả ba đã vượt sông Đồng Nai. Từ mé sông, phải băng qua trảng trống chừng tám chục mét mới tới Đồi Khỉ. Bò dưới lớp cỏ tranh, mầm cỏ đâm buốt nhói cùng sương đêm lạnh run người nhưng họ cứ lặng lẽ trườn lên. Tới hàng rào đầu tiên, chỉ vài thao tác, Đại đội trưởng đã mở được rào, rồi hàng rào thứ hai, thứ ba… từng lớp hàng rào lần lượt được cả ba vượt qua, họ chia nhau tỏa ba hướng…
Mất hai giờ điều nghiên, Đại đội trưởng và Hùng đã ra điểm hẹn, riêng Tâm, đụng lính đi tuần, phải ém lại. Khi vừa thoát qua hàng rào cuối cùng, bất ngờ đụng bầy heo rừng đi ăn đêm, bầy heo hốt hoảng lao vô hàng rào! Ầm ầm ầm… mìn bảo vệ hàng rào phát nổ liên tiếp, Tâm gục ngay tại chỗ, hai bàn chân dập nát. Cùng lúc ấy, pháo sáng bắn lên sáng trắng, lính ngụy trên đồi ào ào tràn ra, thi nhau xả đạn.
“Xốc Tâm đưa lên lưng Hùng”, Đại đội trưởng ra lệnh – “Chạy mau ra sông”. Hùng cõng Tâm lao xuống chân đồi… Phía sau, tiếng AK cùng lựu đạn của Đại đội trưởng xen lẫn tiếng đạn AR15 của tụi ngụy đan xen chát chúa. Tâm hét lớn: “Bỏ tao xuống, quay lại hỗ trợ cho đại đội trưởng mau, tao không qua được đâu”. Mặc Tâm quát, Hùng ôm cứng lấy Tâm, chạy ào ra mép sông. Đám lính thấy chỉ có một người, chúng quyết bắt sống nên tỏa rộng, tạo thành một vòng cung. Đại đội trưởng vừa lùi vừa đánh trả quyết liệt.
Hùng cõng Tâm nhảy ào xuống sông, một tay vòng qua lưng đỡ Tâm nổi ngửa. Đoạn sông rộng chừng hơn hai chục mét, nước chảy khá mạnh đẩy hai người ào ào trôi theo con nước. Trôi xuôi chừng ba chục mét, Hùng cũng dìu được Tâm qua bờ bên. Đặt Tâm nằm sát bìa rừng liền xách súng chạy ngược bờ sông trở lại. Dưới ánh đèn dù sáng trắng, Hùng thấy rõ Đại đội trưởng đứng sát mép nước, ba bề tụi ngụy vây kín nhưng anh không nhảy xuống sông. Một thằng ngụy cất giọng nhân từ: “Này anh lính Việt Cộng, hãy đầu hàng về với quốc gia, anh sẽ có cuộc sống sung sướng”.
Đứng bên này sông, Hùng nghe rõ tiếng cười lớn và giọng nghiêm túc của Đại đội trưởng: “Ha h.a.a… lính Cụ Hồ, không thích cuộc sống của tụi bán nước…”.
Nhìn Đại đội trưởng đứng giữa vòng vây của tụi ngụy nhưng không bắn trả, Hùng hiểu, anh đã hết đạn và Hùng dám chắc, thủ trưởng còn giữ lại lựu đạn cho mình.
Bất lực đứng nhìn thủ trưởng giữa vòng vây của mấy chục họng súng, đành đứng lặng theo dõi. Quả như Hùng dự đoán, khi đại đội trưởng ném khẩu AK hết đạn xuống sông, mấy thằng ngụy lập tức ào vào, đè anh xuống. Ầm ầm! Hai trái lựu đạn phát nổ liên tiếp nhá lên hai quầng lửa sáng lòa. Hùng nghiến chặt răng cố ngăn nước mắt cùng tiếng khóc muốn bật ra. Vĩnh biệt anh… đại đội trưởng của tôi. Nói rồi, Hùng khom người chạy về nơi Tâm đang nằm, dìu Tâm vào sâu trong rừng. Cũng lúc ấy, tiếng cano chạy ào ào trên sông, đạn AR15 bắn vào rừng như vãi trấu cho tới khi ánh đèn dù tắt hẳn.
Tâm đã rất yếu bởi vết thương quá nặng, giọng nói mệt mỏi: “Mày để tao lại đây… tao không qua được đâu… đi kiếm thủ trưởng coi”. Hùng cố tình nói dối: “Thủ trưởng đã qua rừng an toàn, mày yên tâm”.
Đèn dù tắt hẳn, rừng tối đen trở lại. Để Tâm cạnh một gốc cây, Hùng ôm chặt bạn mình, hai người thủ thỉ trò chuyện nhưng thường ngắt quãng bởi cơn đau từ vết thương luôn hành hạ Tâm. Sáng hôm sau, Tâm đã rất yếu. Hùng cõng Tâm cắt rừng tìm về đơn vị nhưng càng đi càng mất phương hướng bởi khu rừng quá rậm. Thêm một ngày vẫn không ra khỏi rừng, đói, mệt, Hùng cố tìm thứ gì đó có thể ăn cho Tâm nhưng bất lực, chẳng thể kiếm ra thứ gì có thể ăn. Tới ngày thứ ba, Tâm ra đi trong đói khát, đau đớn khi gắng gượng nói được mấy lời: “Nếu còn sống… trở về… mày ráng chăm sóc mẹ giùm tao!”.
Ôm chặt Tâm, Hùng hét vang cánh rừng: “Tâm ơi.i.i.i! Mày chết mà không được bữa ăn no, không cả bộ quần áo trên người… Tâm ơ.i.i.i.i”.
…
Đang miên man với những kí ức về Tâm, tiếng con tắc kè lại vang lên khiến ông Hùng choàng tỉnh. Lật tấm tăng, lúc này trời đã sáng. Trong màn sương sớm dày đặc, tiếng con tắc kè lại vang lên. Bình thường, con tắc kè chỉ kêu một hồi rồi ngưng. Sáng nay, tiếng con tắc kè nghe rộn rã, liên tục. Thấy lạ, ông rời khỏi võng, cắt rừng hướng theo tiếng con tắc kè. Đi vài chục mét, tiếng con tắc kè lại vang lên lanh lảnh. Luồn qua mấy bụi cây rậm, ông lặng lẽ tiến lên. Trên thân cây sao, cách mặt đất chừng hai mét, con tắc kè to cỡ cổ tay lại cất tiếng vang vọng. Ông lẩm nhẩm – con tắc kè đẹp quá, phải bắt bằng được. Nhẹ nhàng tiến về phía gốc cây, ông giơ tay định chụp thì con tắc kè chạy vút lên cao. Ngước nhìn con tắc kè với vẻ mặt tiếc nuối, nhưng người ông chợt run lên. Phía trên thân cây, tầm bốn mét là hai nhánh chẻ đôi. Ông thốt lên “Trời ơi! Cái gì như dép cao su” – dụi mắt nhìn thật kỹ… là phần đầu của đôi dép cùng một mẩu cán lưỡi lê thò ra. Đúng rồi, chính tay ông găm chiếc lưỡi lê, treo đôi dép của Tâm trên cây sao này. Thân cây ngày ấy nhỏ như cái bình thủy, giờ nó bằng một vòng tay ôm. Vị trí ông găm chiếc lưỡi lê giữa hai nhánh cây khi ấy chỉ ngang ngực, giờ nó cao chừng bốn mét. Chiếc lưỡi lê bị cái cây phát triển ôm gần lút cán, đôi dép chỉ còn phần đầu lộ ra. Đôi tay run run, ông bới tung lá khô dày đặc dưới gốc cây làm lộ ra tảng đá. Là tảng đá ông khắc tên thằng Tâm. Toàn thân run lên, quỵ xuống ôm lấy tảng đá, nước mắt ông trào ra không sao kìm giữ, cả cánh rừng như quay tròn, chao đảo trước mắt. Màn sương dày đặc bỗng giãn ra, một cơn gió chợt nổi lên xôn xao. Những dải bình minh đầu tiên lọt xuống, đậu trên lá rừng theo gió đung đưa, nhảy nhót như reo vui. Ông bật khóc hu hu như đứa trẻ sau bao năm thất lạc bỗng tìm lại được gia đình. Tiếng khóc nấc lên, tắc nghẹn, quặn thắt như xé lòng người giữa rừng thẳm mênh mông: “Tâm ơi… cuối cùng tao cũng tìm được mày! Tao xin lỗi đã để mày nằm lạnh lẽo suốt mấy chục năm. Ngày ra quân, về gặp mẹ, mẹ chỉ mong sớm tìm được mày, đưa về với mẹ. Giờ tao tìm được mày… mà… mẹ thì không thể chờ…Tâm ơ.i.i.i…!”.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/tro-ve-sau-nua-the-ky-912247b/