(LĐ online) – Chiều 11/8, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Tham dự có ông Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp; bà Trần Thị Mỹ Linh – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; các thành viên trong Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, các tập thể và cá nhân được khen thưởng.
Ông Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể |
Qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác hòa giải; lực lượng hòa giải viên với sự nỗ lực, cố gắng trên tinh thần tự nguyện, tích cực, chủ động… Do vậy, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm tăng, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương…
Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện đều ban hành kế hoạch triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở để triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức và Nhân dân, chú trọng đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn… bằng nhiều hình thức đa đạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và đối tượng được phổ biến.
Bà Trần Thị Mỹ Linh – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể |
Việc nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.100 tổ hòa giải với trên 7.800 hòa giải viên, trong đó gần 1.900 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số; tổng số hòa giải viên đã tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trên 6.400 người.
Đối với hoạt động kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tiến hành kiểm tra đối với các huyện, thành phố, qua đó kịp thời phát hiện, đánh giá những tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tại các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
Bà Nguyễn Thị Mỵ – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Vương Tôn Kiên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân |
Việc bố trí nguồn lực và kinh phí thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở được quan tâm. Đến nay, từ tỉnh đến xã đã bố trí 142 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác hòa giải ở cơ sở chặt chẽ, có hiệu quả…
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời. Trong 10 năm qua, tổng số vụ việc tiếp nhận trên 16.000 vụ, số vụ việc hòa giải thành gần 13.000 vụ, tỷ lệ 79,6%, các nội dung vụ việc chủ yếu liên quan đến đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn tại cơ sở… Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố khối đại đoàn kết trong Nhân dân, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Ông Bùi Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa thường xuyên; điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; việc hướng dẫn các bên tranh chấp đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành chưa đầy đủ… Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đề ra những giải pháp để triển khai tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những tham luận chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở cũng như những cách làm hay, giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở tại cộng đồng dân cư.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng bằng khen cho 18 tập thể và 29 cá nhân có nhiều thành tích trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.