(LĐ online) – Chiều 6/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp có chỉ đạo toàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội các tháng cuối năm 2023.
Toàn tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế – xã hội những tháng cuối năm |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2023 đạt 5,14% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt 73% dự toán Trung ưong đạt 63,6% dự toán địa phương; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt 37,1% kê hoạch.
Hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực; sản xuât nông nghiệp ổn định, đảm bảo kế hoạch đề ra. Hoạt động công nghiệp, dịch vụ duy trì tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,8%. Xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi, tăng 3%. Khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 6,5 triệu lượt khách, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chỉ đạo triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Công tác thông tin, truyền thông được chú trọng, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh và 9 trung tâm IOC cấp huyện. Hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, hồ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở đất, bảo đảm ổn định đời sống. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; thị trường bất động sản chưa được phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn; tổng số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10,1%, quay trở lại hoạt động giảm 14,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ (hụt thu khoảng 1.500 tỷ đồng), nhất là khoản thu từ nhà, đất đạt thấp (hụt thu khoảng 1.047 tỷ đồng); giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; tình trạng trễ hạn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra tại một số sở, ngành, địa phương.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, chính sách về nhà ở cho người nghèo còn chậm triển khai. Thiên tai, mưa lớn, sạt lờ đất diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản, ngập úng một số địa bàn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông trên một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan hành chính, chính quyền một số địa phương hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; tình hình trong nước và trên địa bàn tỉnh có những cơ hội, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn do áp lực lạm phát, giá cả nguyên vật liệu ở mức cao; tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 22- NQ/TU ngày 07/12/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 135/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh và các kết luận, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục bám sát chủ đề năm 2023 của Tỉnh ủy: “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI” để tập trung chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2023.
Phương châm, mục tiêu và động lực trong thời gian còn lại là: Quý cao điểm, tháng nước rút, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, lấy hiệu quả làm thước đo công tác chỉ đạo điều hành. Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm thuộc thẩm quyền của ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý; không trình lên cấp trên những nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị mình và chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định pháp luật;
Với các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đảm bảo thu ngân sách nhà nước năm 2023, phấn đấu hoàn thành dự toán Trung ương giao 12.623 tỷ đồng và dự toán HĐND tỉnh giao 14.500 tỷ đồng; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và thu hồi nợ đọng thuế theo quy định.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án chống thất thu thuế, nhất là lĩnh vực đất đai, khoáng sản, xăng dầu, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ ăn uống, lưu trú… Điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo sát dự toán được giao, triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.
UBND các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư công theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.
Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc khi đề xuất chủ trương đầu tư các công trình, dự án mới cần phải cân nhắc tính cấp bách, cần thiêt phải đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương; không đề xuất UBND tỉnh về chủ trương đầu tư công các dự án chưa thực sự cấp bách, tràn lan như thời gian qua. Chỉ xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án mang tính kết nối, liên vùng, liên huyện có tính cấp bách.
UBND các huyện, thành phố có đường cao tốc đi qua (Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng) khẩn trương rà soát các quy hoạch liên quan, lập dự án đầu tư xây dựng khu dân cư – tái định cư (gắn với tái định cư cho đường cao tốc và cho các công trình của các huyện, thành phố) báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023; đảm bảo đủ điều kiện triển khai dự án tái định cư trong thời gian sớm nhất phục vụ khởi công dự án đường cao tốc.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung hoàn thiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung thị trấn Liên Nghĩa (mở rộng); các đồ án quy hoạch vùng huyện (Bảo Lâm, Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng) và các đồ án quy hoạch phân khu chi tiết làm cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư. Tổ chức tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch được duyệt; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng theo quy định.
Ngoài ra, đối với từng nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ.