“Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng mong muốn và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, nhà giáo dục, nhà khoa học Mỹ đến với tỉnh. Với mục tiêu làm cho Lâm Đồng giàu hơn, người Lâm Đồng hạnh phúc hơn, chúng tôi sẽ ủng hộ” – Đó là khẳng định của đồng chí Trần Hồng Thái – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái cùng lãnh đạo các sở, ngành đã tiếp bà Susan Burns – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh ngày 6/12 |
Gần 30 năm qua kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1995; xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào ngày 25/7/2013, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Ngày 10/9/2023, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Và Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Bởi vậy nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đang nỗ lực để kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm thế mạnh của địa phương đi vào thị trường nhiều tiềm năng này.
Thông tin từ UBND tỉnh cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Hoa Kỳ năm 2024 đạt 28,18 triệu USD gồm các sản phẩm: cây, hoa cắt cành các loại; hàng may mặc (quần áo may sẵn); cà phê, rau, củ các loại; máy móc, thiết bị, sắt thép, van chi tiết dầu khí… Con số này cao hơn năm 2023 (14,26 triệu USD).
Hiện, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Lâm Đồng. Năm 2024, giá trị hàng dệt may của địa phương xuất khẩu sang thị trường này đạt 19,1 triệu USD.
Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ vào tỉnh Lâm Đồng năm 2024 đạt 17,72 triệu USD. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu bao gồm: máy móc, thiết bị, nguyên liệu dệt may.
Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 98 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.754 tỷ đồng, tương đương 585,35 triệu USD. Quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 2.247,5 ha. Trong đó, có 3 dự án FDI Hoa Kỳ gồm: Dự án Sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoa chất lượng cao Trường Xuân của Công ty TNHH Hoa Trường Xuân tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm với vốn đăng ký đầu tư 68 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD), quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 17,77 ha, công suất 15 triệu cành hoa/năm; Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH Merkava Việt Nam tại Khu công nghiệp Lộc Sơn với vốn đăng ký đầu tư 182,34 tỷ đồng (tương đương 7,92 triệu USD), quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 3,08 ha, công suất 5 triệu sản phẩm/năm; Dự án Nhà máy chế biến cà phê ướt/ khô, vỏ cà phê và rang xay cà phê tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Mercafe Agri Products Inc tại Khu công nghiệp Phú Hội với vốn đăng ký đầu tư 87 tỷ đồng (tương đương 4 triệu USD), quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 4,15 ha, công suất 34.000 tấn/năm.
Hiện có 15 cá nhân, tổ chức kinh tế Hoa Kỳ góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong 13 tổ chức kinh tế Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, với số vốn góp 32,78 tỷ đồng.
Ngoài các vấn đề về kinh tế, hiện có 3 tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện 4 khoản viện trợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm: Tổ chức AIDS Healthcare Foundation (AHF) tài trợ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 dự án Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS – Kết nối giữa cơ sở y tế và trại giam; Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS), thông qua tổ chức RECOFTC tài trợ thực hiện Dự án Hỗ trợ quản lý rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên bền vững; Tổ chức Legacy Charities, Inc tài trợ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lâm Đồng thực hiện Dự án Cấp học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đạ Huoai và hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ tại Mái ấm Mai Sơn, TP Đà Lạt với tổng vốn cam kết tài trợ 349.899 USD, tương đương 8,4 tỷ đồng.
Hoa Kỳ là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Lượng khách Hoa Kỳ chiếm khoảng 10,1% trong tổng số khách quốc tế đến tỉnh Lâm Đồng (xếp thứ hai sau Hàn Quốc).
Với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tỉnh Lâm Đồng mong muốn sự hiện diện của các nhà đầu tư, các nhà khoa học, nhà giáo dục Hoa Kỳ nhiều hơn nữa. Bởi vậy, tại buổi gặp với bà Susan Burns – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 12 vừa qua, đồng chí Trần Hồng Thái – Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị: Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng với đối tác Hoa Kỳ trên một số lĩnh vực.
Cụ thể, với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng mong muốn có nhiều nhà đầu tư Mỹ về công nghệ sản xuất nông nghiệp, công nghệ chế biến nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến xuất khẩu để tạo nên nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao và các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng sẽ đến được với thị trường Mỹ. Đặc sản Lâm Đồng sẽ có mặt trong các nhà hàng tại Mỹ. Và các nhà sản xuất với công nghệ Mỹ, các showroom, nhà hàng, quán cà phê của người Mỹ sẽ có mặt ở Lâm Đồng.
Ngoài công nghiệp chế biến, Lâm Đồng hy vọng có một số ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường như: công nghiệp lắp ráp, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo công nghệ Mỹ… sẽ được đầu tư tại Lâm Đồng. Mở rộng, tăng cường hợp tác phát triển (ODA), trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu…
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đến với địa phương”. Đồng chí cũng chia sẻ mong muốn đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm khoa học – giáo dục – du lịch, bởi vậy thông qua bà Tổng Lãnh sự, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hi vọng các nhà khoa học, nhà giáo dục Mỹ sẽ lựa chọn Lâm Đồng làm điểm đến. Và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối để du khách Mỹ đến với Lâm Đồng.
Trực tiếp tham quan một vài trang trại sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, bà Susan Burns cho rằng nếu cà phê Lâm Đồng được chế biến tại chỗ và xuất đi thì giá trị sẽ cao hơn rất nhiều. Và việc chứng nhận sản phẩm nông nghiệp được sản xuất hữu cơ là một trong những tiêu chí quan trọng để cà phê Lâm Đồng đi vào thị trường Mỹ. Hiện nay một số nhà vườn ở Lâm Đồng đã bán cà phê cho Starbucks – một công ty rất lớn ở Mỹ. Và bà hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những mối liên kết như thế. Về vấn đề năng lượng sạch, phát triển xanh, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…, bà Tổng Lãnh sự khẳng định sẽ kết nối với các đơn vị liên quan để thúc đẩy phát triển các vấn đề này ở Lâm Đồng. Bà Susan Burns cũng khẳng định với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành sẽ không khó để thu hút các nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà giáo dục Mỹ đến với Lâm Đồng.
Năm 2025, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Hoa Kỳ và “Đà Lạt sẽ là địa chỉ hấp dẫn để tổ chức các sự kiện liên quan” bà Susan Burns khẳng định. Đó sẽ là dấu ấn quan trọng mở ra mối quan hệ hợp tác tốt đẹp của tỉnh Lâm Đồng với Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Hoa Kỳ nói chung, góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202501/tao-moi-dieu-kien-de-cac-nha-dau-tu-my-den-voi-lam-dong-1c32f3e/