a. Nguyên liệu nông sản:
Tài nguyên đất đai của Lâm Đồng rất thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như chè, càphê, dâu tằm… và rau hoa. Lâm Đồng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung và là thị trường tiềm năng về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Lâm Đồng đứng đầu cả nước về sản xuất chè, rau hoa chất lượng cao; đứng thứ 2 cả nước về sản xuất càphê; chiếm tỷ trọng đáng kể về các sản phẩm như dâu tằm tơ, hạt điều, bò thịt sữa, mía đường, dược liệu… Một số nguồn nguyên liệu chính như sau:
Cà phê: Là một trong những loại cây công nghiệp dài ngày có thế mạnh phát triển của địa phương. Diện tích càphê ổn định lâu dài đạt khoảng 120.000ha, đặc biệt là giống càphê Arabica tại Đà Lạt, Lâm Hà và Đức Trọng là loại có chất lượng cao.
Chè: Với điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, cây chè ở Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ từ hơn 70 năm qua. Đến nay, Lâm Đồng có diện tích chè lớn nhất nước (chiếm 30%diện tích chè cả nước) và có năng suất cao hơn hẳn năng suất trung bình toàn quốc. Diện tích chè toàn Tỉnh đạt 25.447ha, có khả năng phát triển lên đến 28.000ha. Lâm Đồng cũng thích hợp để trồng các loại giống chè quý, chất lượng cao của Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản…
Dâu tằm: khí hậu của Lâm Đồng thích hợp cho việc nuôi tằm lưỡng hệ quanh năm. Diện tích ổn định lâu dài đạt khoảng 8 – 10 ngàn ha, sản lượng dâu khoảng 100 – 120 ngàn tấn, sản lượng kén tằm đạt khoảng 6,5 – 8 ngàn tấn, phân bố chủ yếu ở các huyệb Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng.
Điều: Diện tích điều toàn Tỉnh đạt 7.300ha và có khả năng phát triển lên 8.300ha. Hàng năm Lâm Đồng có thể thu hoạch khoảng 2.300tấn nhân.
Ngành công nghiệp chế biến sữa cũng là một tiềm năng lớn của Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2010, toàn Tỉnh có khoảng 6.000 con bò sữa với sản lượng sữa tươi khoảng 12.420 tấn.
b. Lâm sản:
Lâm Đồng có 617.815ha rừng với độ che phủ 63% diện tích toàn Tỉnh, trong đó có 355.357ha rừng gỗ, 80.446 rừng tre nứa, 27.326 rừng trồng… Do mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt và đất đai phù hợp nên các loài tre, nứa, lồ ô có tốc độ tái sinh rất nhanh sau khi khai thác. Rừng Lâm Đồng mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật Việt Nam, rất đa dạng, có trên 400 loại gỗ khác nhau, trong đó có một số loại gỗ quý như pơmu xanh, cẩm lai, gõ thông 2 lá, 3 lá… và nhiều loại lâm sản khác.
c. Khoáng sản:
Lâm Đồng là vùng đất có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn chưa được khai thác. Theo thống kê toàn tỉnh có 25 loại khoáng sản, trong đó Bauxite, Bentonite, Kaolin, Diatomite và tham bùn có khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp. Nổi bật nhất là quặng Bauxite với trữ lượng hơn 1tỷ tấn, chất lượng quặng khá tốt. 38 điểm quặng vàng (chủ yếu là vàng sa khoáng), 7 điểm quặng saphia, 32 điểm mỏ thiếc sa khoáng với trữ lượng hàng chục ngàn tấn, 19 mỏ sét gạch ngói,… và các loại khoáng sản khác như caolanh (12 mỏ), Diatomite, Bentonite, đá granite, than bùn. Ngoài ra Lâm Đồng còn có một số mỏ nước khoáng tại các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Cát Tiên và Đạ Huoai.
d. Tiểu thủ công nghiệp:
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Lâm Đồng, nhất là các sản phẩm phục vụ du lịch, cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ và là một trong những thế mạnh của địa phương trên cơ sở thừa hưởng nét truyền thống, nguồn nguyên liệu dồi dào cộng với thế mạnh về tay nghề của người lao động. Các sản phẩm bao gồm: mây tre đan, thêu lụa, dệt thổ cẩm, hoa khô, đan len, chạm khắc, cưa lộng, gỗ mỹ nghệ, hàng lưu niệm… Hiện nay, Tỉnh đã có chủ trương khôi phục và phát triển sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.
e. Thủy điện:
Lâm Đồng là Tỉnh có nguồn thủy năng dồi dào, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu điện năng của cả Tỉnh. Tại Lâm Đồng hiện có nhà máy thủy điện Đa Nhim (công suất 160MW), thủy điện Suối Vàng (công suất 4,1MW), thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi (công suất 475MW), thủy điện Đồng Nai 3 – Đồng Nai 4 (công suất 510MW) đang chuẩn bị khởi công vào cuối năm 2004 và thủy điện Đại Ninh đang được thi công (công suất 300MW).
Hiện nay toàn Tỉnh có 63 điểm có khả năng phát triển thủy điện do Viện Khoa Học Thủy Lợi khảo sát quy hoạch trong giai đoạn 1 trong đó có có 15 công trình thủy điện đã có chủ trương đầu tư và đang xin chủ trương đầu tư.
Cổng TTĐT tỉnh