Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần được hỗ trợ tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực, đặc biệt trong phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh tới năm 2050 được đánh giá có nhiều thuận lợi nhưng cũng đi kèm nhiều khó khăn, thách thức |
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu tới năm 2050, Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng của tỉnh trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Lâm Đồng đang tích cực xây dựng chương trình chuyển đổi năng lượng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tới năm 2050.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có dự án thuộc các phân ngành dầu khí và than. Đối với phân ngành điện, năng lượng mới và tái tạo thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đánh giá từ Sở Công thương tỉnh, địa phương được đánh giá có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời…). Những năm qua, một số dự án đã đầu tư, vận hành, mang lại hiệu quả cao, góp phần đáng kể trong việc cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Về thuỷ điện hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 37 dự án nguồn thuỷ điện đang hoạt động với tổng công suất 1.680,7 MW. Điện mặt trời có 1.038 hệ thống điện mặt trời áp mái, tổng công suất đấu nối là 284.763,65 kW và không có dự án điện mặt trời lớn hơn 1 MW. Về điện gió, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch 2 dự án điện gió, gồm: Nhà máy điện gió Cầu Đất công suất 68,9 MW (đã thi công xong, đưa vào vận hành với công suất 60 MW) và Nhà máy điện gió Đức Trọng công suất 50 MW.
Theo quy hoạch Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt công suất tăng thêm đến năm 2030: công suất thuỷ điện tăng thêm 146 MW (công suất 8 dự án thuỷ điện tăng thêm 96,2 MW); điện gió có công suất tăng thêm 217 MW (công suất 2 dự án điện gió tăng thêm 118,9 MW); điện mặt trời mái nhà công suất tăng thêm 7 MW; điện rác công suất tăng thêm 10 MW. Ngoài ra, có 1 dự án điện mặt trời công suất 40 MW (thực hiện giai đoạn sau năm 2030); 1 dự án thuỷ điện tích năng công suất 300 MW thực hiện giai đoạn 2031 – 2035.
Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án điện gió, thủy điện nhỏ bổ sung, cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, đến nay Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bổ sung, cập nhật chưa được phê duyệt. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch điện VIII, địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ được quy hoạch các dự án nguồn điện vừa và nhỏ. Do đó, việc chủ động nguồn cung cấp điện cho các dự án nêu trên khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép đầu tư theo quy định gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, trong thời gian tới, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Sở Công thương Lâm Đồng đã có công văn đề nghị Bộ Công thương quan tâm, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt các dự án nguồn điện được UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bổ sung, cập nhật. Đặc biệt, Sở Công thương tỉnh đề nghị Bộ Công thương sớm xem xét quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn (thuỷ điện tích năng, điện gió, điện năng lượng mặt trời,…) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để địa phương căn cứ thu hút đầu tư nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định cho các dự án khai thác bô xít, chế biến alumin, điện phân nhôm khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép đầu tư theo quy định.
Và để đạt mục tiêu xây dựng mới 18 khu vực điện gió, 26 khu vực thuỷ điện, 11 khu vực điện mặt trời và 2 nhà máy điện rác… theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về phát triển năng lượng, thì trong tương lai địa phương còn rất nhiều việc phải thực hiện. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong quá trình giám sát về việc thực hiện quy định pháp luật về việc phát triển nguồn năng lượng thời gian qua đánh giá là còn nhiều tồn tại về cơ chế, chính sách cần có các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202412/phat-trien-nang-luong-con-nhieu-thach-thuc-3bd21da/