Qua từng giai đoạn đúc kết những bài học kinh nghiệm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trong gần hai mươi năm qua, Lâm Đồng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh khí hậu, thổ nhưỡng của cao nguyên để tạo bước đột phá doanh thu, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững.
Du khách trải nghiệm trong khu vườn dâu tây chất lượng cao ở Đà Lạt |
• MỞ HƯỚNG ĐỘT PHÁ DOANH THU
Đến nay, phát triển NNCNC Lâm Đồng đã qua 4 giai đoạn nằm trong chương trình trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2004 – 2010 đạt 6.407 ha tổng diện tích NNCNC gồm: 5.506 ha tưới tự động; 2.946 ha sử dụng màng phủ PE; 1.170 ha nhà kính; 596 ha nhà lưới; 48 cơ sở nuôi cấy mô hàng năm 18 – 20 triệu cây giống. Toàn tỉnh thu hút 22 doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất rau, hoa xuất khẩu và chế biến chè chất lượng cao. Đến năm 2010, giá trị sản xuất đạt 76,2 triệu đồng/ha, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2004. Qua đó, toàn tỉnh quy hoạch vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương (5.871 ha); sản xuất chè chất lượng cao tại Đà Lat, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh (4.837 ha). Doanh thu sản xuất theo hướng NNCNC tăng lên trên 50 triệu đồng/ha/năm (160.000 ha); trên 100 triệu đồng/ha/năm (17.975 ha); 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm (1.493 ha); hơn 1 tỷ đồng/ha/năm (207 ha).
Bước sang giai đoạn 2011 – 2015, NNCNC tăng lên 43.084 ha, chiếm 16,5% diện tích canh tác, tăng 36.677 ha. Công nghệ nhà kính, nhà lưới 3.147,5 ha, tăng 78%; nuôi cấy mô 30 triệu cây giống các loại/năm, tăng 10 – 12 triệu cây. Toàn tỉnh thu hút 97 dự án đầu tư NNCNC với tổng vốn trên 5.909 tỷ đồng; phát triển 103 hợp tác xã, 240 tổ hợp tác và 18 chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn. Giá trị sản xuất năm 2015 đạt 145 triệu đồng/ha, tăng 190,7% so với năm 2010, trong đó, sản xuất NNCNC cho doanh thu gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh. Có tất cả 11.000 ha cho doanh thu trên 500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 700 ha doanh thu từ 1 – 3 tỷ đồng/ha/năm; 10 ha sản xuất giống, cây dược liệu, đông trùng hạ thảo, hoa chậu cao cấp, cây cảnh cho doanh thu trên 3 tỷ đồng/ha/năm.
Qua 2 giai đoạn đột phá doanh thu NNCNC, “toàn tỉnh Lâm Đồng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất của nông dân với nguồn vốn đầu tư cao, từ 200 – 400 triệu đồng/1.000 m2 nhà kính thông thường. Trong khi đó, công tác dự báo thị trường đầu ra chưa sát thực tế, dẫn đến có thời điểm cung vượt cầu, được mùa mất giá; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
• PHÁT TRIỂN CẢ CHIỀU RỘNG VÀ CHIỀU SÂU
Đến giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh tiếp tục xác định NNCNC là giải pháp chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, trọng tâm phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao giá trị thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Kết quả đến năm 2021 đạt 63.108 ha diện tích NNCNC, tương ứng 21% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh và tăng 2.880 ha so với năm 2020. Đáng kể, trong đó diện tích ứng dụng nông nghiệp thông minh đạt 376,6 ha, với doanh thu trên 2 tỷ đồng/ha/năm; riêng sản xuất hoa công nghệ IoT đạt từ 3 – 8 tỷ đồng/ha/năm.
Và giai đoạn 2020 đến nay, NNCNC toàn tỉnh phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có nhiều mô hình sản xuất mới tiên tiến, hiện đại như: 46.920 ha tưới tiết kiệm công nghệ của Israel, Ý, Pháp. Canh tác rau, hoa trên giá thể trên 718 ha; 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật (trên 636 box cấy) hàng năm trên 72,32 triệu cây giống; hơn 160 ha nhà kính nhập khẩu có giá trị trên 1 triệu USD/ha; 465 ha công nghệ thông minh. Doanh thu mỗi năm trên 1 ha sản xuất rau trên 2 tỷ đồng, sản xuất hoa từ 3 – 5 tỷ đồng; tỷ trọng sản xuất NNCNC, nông nghiệp thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Diện tích canh tác kém hiệu quả từ 33% năm 2016 giảm xuống còn 15% năm 2022…
Qua 20 năm với 4 giai đoạn phát triển NNCNC, toàn tỉnh Lâm Đồng đúc kết thành những bài học kinh nghiệm phát triển phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái và theo kịp sự phát triển của công nghệ trong từng giai đoạn. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ giúp nông dân áp dụng sản xuất các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng xuất khẩu. Quá trình phát triển sản xuất phải dựa trên mô hình liên kết với nhau để cùng bổ sung giải pháp kỹ thuật và tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, đồng đều về chất lượng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu…