Là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, với sự đa dạng về văn hóa của 47 dân tộc anh em sinh sống, Lâm Đồng luôn đặt công tác dân tộc lên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Những năm qua, tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Đầu tư hạ tầng giao thông vào vùng đồng bào DTTS được đặc biệt quan tâm |
• NHỮNG DẤU ẤN NỔI BẬT
Với việc dành nhiều nguồn lực, sự quan tâm để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn nên những năm gần đây, Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó phải kể đến những thành quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, giảm nghèo…
Trong đó, cơ sở hạ tầng có thể được nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt nhất, khi hạ tầng vùng DTTS được cải thiện đáng kể. Hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế tại các vùng DTTS được đầu tư xây dựng và nâng cấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của bà con. Từ việc thay đổi hạ tầng, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ và đầu tư khác về vùng dân tộc nên thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS đã tăng đáng kể, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh, đặc biệt là ở khu vực DTTS. Điều này cho thấy các chính sách giảm nghèo của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Chất lượng giáo dục cũng được nâng cao, tỷ lệ trẻ em đến trường tăng, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
• NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
Trước hết, phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với một loạt các chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vào vùng đồng bào DTTS đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự thay đổi này từ nhận thức đến hành động và nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh vào các lĩnh vực trọng yếu như hạ tầng, giáo dục, y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, sự năng động, nhiệt tình và trách nhiệm của cán bộ, cùng với sự hưởng ứng tích cực của đồng bào DTTS trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần quan trọng vào thành công chung.
Theo số liệu của Ban Dân tộc, tổng chi cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2019 – 2024 đạt 73.076 tỷ đồng (trong đó chi đầu tư phát triển là 20.821 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% tổng chi cân đối, chi thường xuyên thực hiện 51.328 tỷ đồng, chiếm 70% tổng chi cân đối. Các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tại các xã thôn vùng DTTS và miền núi, các xã nông thôn mới tiếp tục được ưu tiên đầu tư; ưu tiên sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ ngân sách tỉnh để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hoá. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng (tăng 12,5 % so với năm 2019), không còn hộ đói giáp hạt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Giai đoạn 2019 – 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm bình quân 1 – 1,5%/năm (trong đó hộ nghèo DTTS là 2 – 3%/năm).
Chỉ tính riêng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn này là 169,5 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2022 – 2025 là 1.734 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là 1.264 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách là 452 tỷ đồng, vốn huy động khác là 18 tỷ đồng.
Với tổng mức đầu tư lớn vào hạ tầng, giáo dục, y tế, Lâm Đồng đã tạo ra những bước chuyển tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, cuộc sống của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đã được nâng cao rõ rệt. Những con đường mới, những ngôi trường khang trang, những trạm y tế hiện đại không chỉ là những con số thống kê mà còn là hiện thực đời sống của hàng ngàn người dân.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng sự phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng vẫn còn nhiều thách thức. Việc duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS cần tiếp tục tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là phát triển sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất của người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách, pháp luật, khuyến khích họ tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những thành tựu đạt được trong những năm qua cho thấy Lâm Đồng đã có những bước tiến vững chắc trong việc phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của cộng đồng, Lâm Đồng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202501/nhung-buoc-tien-vung-chac-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-7944109/