Việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên mà các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang triển khai trong nhiều năm qua nhằm ổn định đầu ra cho nông sản của tỉnh.
Thu hoạch rau ở Đơn Dương |
Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành 3 đề án góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 2 đề án, kế hoạch giao Sở Công thương chủ trì là Đề án Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 – 2025; kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030.
Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện nhiệm vụ này, ngành đã tập trung vào một số giải pháp cụ thể như tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia vào các chuỗi liên kết, sản xuất theo kế hoạch nhằm ổn định được đầu ra sản phẩm. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản…
Theo số liệu thống kê của ngành, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 223 chuỗi liên kết với 30.034 hộ liên kết (trong đó có 27.233 hộ trồng trọt và 2.801 hộ chăn nuôi). Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 51.167,65 ha, với sản lượng 529.926 tấn, trong chăn nuôi đạt 1.030.860 con, giá trị sản xuất thông qua chuỗi (giá cố định 2010) đạt 11.329.024 triệu đồng, theo giá hiện hành đạt 18.582.126 triệu đồng, đạt khoảng 35,41% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Ngành triển khai áp dụng, chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững nhằm xây dựng thương hiệu từ đó tăng sức cạnh tranh của nông sản tỉnh Lâm Đồng trên thị trường tiêu thụ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.886 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 500.000 tấn/năm; hữu cơ đạt 1.303,61 ha, diện tích cà phê chứng nhận 4C, UTZ… đạt 84.019 ha.
Ngoài ra, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng còn đẩy mạnh phát triển OCOP, mở rộng sản phẩm chứng nhận sử dụng thương hiệu Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành, xây dựng thêm các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, chú trọng xây dựng mã số vùng trồng đối với các loại cây trồng xuất khẩu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 37 mã số vùng trồng (trong đó, 35 vùng trồng sầu riêng có quy mô 2.254 ha/744 hộ, với sản lượng dự kiến 75.266 tấn/năm; 2 vùng trồng chanh leo với quy mô 111 ha/4 hộ, với sản lượng dự kiến 19.200 tấn/năm) và 6 cơ sở đóng gói sầu riêng, với diện tích cơ sở 9.823 m2, công suất tối đa 455 tấn/ngày.
Mã số vùng trồng (MSVT) nội địa, đã cấp 8 mã số, diện tích 195,7 ha; với sản lượng đạt 2.401,5 tấn/năm cho 2 hộ sản xuất và 4 doanh nghiệp, HTX. Các loại cây trồng gồm: cà phê, chè, mắc ca, thanh long, hồng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện đề xuất Cục Bảo vệ thực vật cấp MSVT là 116 hồ sơ với tổng diện tích 4.772,99 ha/2.335 hộ liên kết, sản lượng dự kiến 156.065,35 tấn/năm; và 13 hồ sơ mã cơ sở đóng gói với quy mô 14.536 m2, công suất tối đa 845 tấn/ngày.
Ngành Công thương cũng nỗ lực đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, quảng bá nông sản qua các website, các sàn giao dịch điện tử của tỉnh như nongsandalatlamdong.gov.vn; dalatproducts.com cũng như các sàn thương mại lớn trong nước và quốc tế như sàn alibaba, lazada, sendo, postmart, tiktok… và tổ chức các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản như tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm nông sản, nông sản chế biến, tuần hàng nông sản. Sở đã kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng như các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Winmart, Lotte ký kết với các đầu mối thu gom cung cấp nông sản của tỉnh.
Tuy nhiên, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, thì một điều kiện tiên quyết đó là người nông dân phải có kế hoạch sản xuất, nghiên cứu thị trường, đầu ra của sản phẩm, tình hình sản xuất các thời điểm trong năm, trước khi tiến hành sản xuất cũng như nghe theo các khuyến cáo của các cơ quan nhà nước để sản xuất theo kế hoạch, tránh trường hợp sản xuất tự phát dẫn đến không có đầu ra cho sản phẩm.