Kế hoạch 6195/KH-UBND ngày 18/7/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về Triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là một phần trong các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trước mắt, sẽ có những mô hình được ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025.
Mô hình Du lịch canh nông của Công ty TNHH Avocado Farm (Đơn Dương) |
Kế hoạch 6195/KH-UBND đặt ra nhiều nội dung, tập trung vào: Thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông thôn; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn… với sự tham gia và đóng góp nguồn lực của cộng đồng dân cư nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp du lịch – dịch vụ, các sở, ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội Du lịch và các tổ chức nghề nghiệp, liên quan đến du lịch và nông thôn…
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm đẩy việc mạnh khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp; phát triển làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn; tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ… Chương trình có nguồn kinh phí thực hiện trên 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và đối ứng của các tổ chức, cá nhân; đồng thời, 12 huyện, thành đều có những mô hình được ưu tiên thực hiện.
Mô hình Du lịch Làng Nấm Đà Lạt |
Thành phố Đà Lạt có 5 mô hình: Mô hình Làng Nấm Đà Lạt (7 ha, thôn Măng Lin, phường 7); Mô hình Du lịch trải nghiệm sản xuất và chế biến hồng treo, cà phê bột, chuối Laba (1 ha, Tổ 4, thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành); Mô hình Du lịch sinh thái cánh đồng hoa Cẩm Tú Cầu (2,2 ha, làng hoa Xuân Thành, xã Xuân Thọ); Mô hình Du lịch trải nghiệm sản xuất và chế biến cà phê bột gắn với hồ, thác nước (50 ha, Hợp tác xã DVNN Hữu cơ Song Vũ, thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường); Mô hình Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm sản xuất hoa công nghệ cao (100 ha, xã Tà Nung).
Huyện Lạc Dương có 4 mô hình: Mô hình Du lịch canh nông của Cty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc (4,6 ha, số 227A, thôn Đạ Nghịt, xã Lát); Mô hình Du lịch canh nông của Cty TNHH LangBian VF Dâu Rừng (5 ha, số 9, đường 14/3, thị trấn Lạc Dương); Du lịch canh nông của Cty TNHH Nông Trại du lịch Canh nông Kiến Huy (9 ha, thôn Đạ Đum II, xã Đạ Sar); Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên của Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng (68,57 ha, Suối Cạn, thôn Đạ Nghịt, xã Lát).
Huyện Đơn Dương có 3 mô hình: Mô hình Du lịch sinh thái, nông nghiệp HTX Nông trại xanh (0,5 ha, thôn Lạc Xuân 2, xã Lạc Xuân); Mô hình Du lịch canh nông của Cty TNHH Avocado Farm (2,5 ha, đường Xóm Mới, thôn Quảng Lợi, xã Quảng Lập); Mô hình Du lịch sinh thái, nông nghiệp vườn Cam Cara ruột đỏ (30 ha, thôn Dom A, xã Lạc Xuân).
Huyện Đức Trọng có 3 mô hình: Mô hình Du lịch sinh thái tại trại nuôi ong Công ty TNHH Mật ong Thái Dương (0,2 ha, thôn Phú Bình, xã Phú Hội); Mô hình Du lịch nông nghiệp, không phát thải (0,2 ha, thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh); Mô hình Du lịch nông nghiệp trải nghiệm vườn hoa lan, chanh dây và nấm linh chi đỏ (9 ha, thôn Tà In, xã Tà In).
Mô hình du lịch tham quan trải nghiệm và thưởng thức cà phê (Lâm Hà). |
Huyện Lâm Hà có 4 mô hình: Mô hình Du lịch sinh thái Lavela (1,4 ha, thôn Phúc Thanh, xã Phúc Thọ); Mô hình Phát triển du lịch làng nghề truyền thống Dệt thổ cẩm (12 ha, thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn); Mô hình Du lịch nông nghiệp sinh thái (50 ha, thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ); Mô hình Du lịch tham quan trải nghiệm và thưởng thức cà phê (4 ha, Thôn 4, xã Gia Lâm).
Huyện Đam Rông có 4 mô hình: Mô hình Du lịch sinh thái kết hợp với tham quan vườn cây trái, dược liệu, vườn mai, lòng hồ, làng nghề dệt thổ cẩm, dù lượn (3 ha, Thôn 4, xã Rô Men); Mô hình Du lịch sinh thái kết hợp dã ngoại, nghỉ dưỡng Dó Bầu Hương (50 ha, Công ty Cổ phần Dó Bầu Hương Quảng Nam, Thôn 1, xã Liêng S’rônh); Mô hình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Đam Rông (0,5 ha, thôn Mê Ka, xã Đạ Tông); Mô hình Du lịch sinh thái nông nghiệp xã Đạ Rsal (40 ha, Thôn Phi Jút, xã Đạ Rsal).
Huyện Di Linh có 2 mô hình: Mô hình Sản xuất, sơ chế và kinh doanh sản phẩm bưởi da xanh, sầu riêng, mắc ca với du lịch canh nông, kết hợp tham quan thác nước và du lịch trải nghiện trên dòng Thủy điện Đồng Nai 3 (50 ha, Hợp tác xã Bưởi da xanh, xã Đinh Trang Thượng); Du lịch Làng nghề Đan lát truyền thống kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch bản địa (0,5 ha, thôn Duệ, xã Đinh Lạc).
Huyện Bảo Lâm có 2 mô hình: Mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan, trải nghiệm vườn chè Ô long (50 ha, Thôn 7, xã Lộc Quảng); Mô hình Du lịch canh nông kết hợp tham quan, trải nghiệm (100 ha, xã Lộc Tân).
Huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên mỗi huyện có 1 mô hình: Du lịch sinh thái, du lịch canh nông kết hợp tham quan vườn trái cây, vườn mai, dù lượn, lòng hồ, làng nghề (3 ha, Thôn 7, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh); Du lịch canh nông Thôn 3, xã Đức Phổ (10 ha, Thôn 3, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên).
Thành phố Bảo Lộc có 4 mô hình: Mô hình Du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan, trải nghiệm các trò chơi trên mặt hồ, câu cá, vườn rau công nghệ cao và nuôi thú (3,5 ha, Thôn 14, xã Đạm B’ri); Mô hình Du lịch canh nông (Bảo tàng văn hoá trà Việt, 2 ha, Thôn 9, 10 Lý Thái Tổ, xã Đam B’ri); Du lịch nông thôn kết hợp tham quan, trải nghiệm vườn chè Ô long (120 ha, Thôn 11, xã Đạm Bri); Du lịch trải nghiệm các mô hình làng quê nông thôn Việt Nam, vườn sen, vườn hoa, chụp hình lưu niệm (2,7 ha, Tổ 14, phường Lộc Phát).
Huyện Đạ Huoai có 3 mô hình: Mô hình Du lịch sinh thái tham quan vườn cây ăn trái HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn (350 ha, Thôn 2, xã Hà Lâm); Mô hình Du lịch canh nông, Vườn cây ăn trái Nam Nhi (5,3 ha, Thôn 3, xã Hà Lâm); Mô hình Du lịch sinh thái tham quan vườn cây ăn trái HTX Phúc Thịnh (Thôn 4, xã Hà Lâm).
Các mô hình du lịch nông thôn đều được phát triển theo hướng du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, chủ cơ sở du lịch nông thôn phải có nghiệp vụ quản lý du lịch; lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ và mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ; cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn phải đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch…