Cách mạng Tháng Mười Nga thành công mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển của xã hội loài người. Từ thành công của cuộc cách mạng vĩ đại này đã cổ vũ các dân tộc trên thế giới đứng lên giành độc lập, trong đó có dân tộc Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và xây dựng nước Việt Nam mới đem lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân lao động.
Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu sự thắng lợi lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội |
• NGUYỄN ÁI QUỐC BẮT GẶP CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN
Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, cuộc đời Hồ Chí Minh đã tạo ra năm bước ngoặt lớn của lịch sử Việt Nam, bước ngoặt đầu tiên chính là bước ngoặt ra đi tìm đường cứu nước. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tất Thành đi vào miền Nam, không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tất Thành đi ra từ Bến Nhà Rồng, cũng không không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Tất Thành chọn nước Pháp là điểm đến. Chắc hẳn trong suy tư về những bước đường cách mạng, người thanh niên yêu nước ấy đã tính toán kỹ điều này. Về sự lựa chọn này, Giáo sư Trần Văn Giàu đánh giá: “Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất đầu thế kỷ 20. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sĩ lớn tuổi đi tìm ở phương Đông (Nhật) rồi tới hướng Bắc (Trung Hoa) thì thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang châu Âu. Tìm cách đánh đuổi thực dân Tây phương mà đi về hướng Tây. Đi ngược chăng? Chưa một ai ngờ rằng đi ngược mà sẽ về xuôi. Không vào hang hổ sao trói được hổ.
Từ hành trình ra đi ở Bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911 ấy, Nguyễn Tất Thành đã đi qua đại dương, bốn châu lục và gần 30 nước. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi. Ngày 18/6/1918, Nguyễn Tất Thành vẫn cùng cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường gửi tới Hội nghị Versailles “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam”.
Rồi cũng tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp bản sơ thảo lần thứ nhất “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin để rồi sau đó Người dứt khoát tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin. Rõ ràng đây lại là một sự ngẫu nhiên của lịch sử bởi Paris khi ấy là nơi giao thương của thế giới, nơi được xem là “kinh đô ánh sáng”, nơi hội tụ các thông tin nhanh nhạy nhất của thế giới lúc bấy giờ.
Nhớ lại sự kiện này, trong bài viết cho Tạp chí Các vấn đề phương Đông của Liên Xô nhân kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh Lênin (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tình tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
Tại Đại hội Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tua cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu gia nhập Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin vĩ đại. Cũng chính từ thời điểm này, Người trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.
• CUỘC CÁCH MẠNG PHẢN ÁNH ĐÚNG QUY LUẬT PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, nhân loại (đến thời các ông) đã và sẽ trải qua các hình thái kinh tế – xã hội: Cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa xã hội (giai đoạn đầu của hình thái kinh tế cộng sản chủ nghĩa, một hình thái chưa từng có trong lịch sử loài người).
Dấu mốc đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác chính là sự kiện xuất hiện của “Tuyên ngôn đảng cộng sản” (tháng 2/1848). Trong tuyên ngôn nổi tiếng này, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã nhận thấy sức mạnh vĩ đại của một giai cấp tiến bộ: giai cấp công nhân. Năm 1871, Công xã Paris, cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới đã nổ ra ở nước Pháp, một nước phát triển lúc bấy giờ. Giai cấp công nhân Pháp đứng lên làm cuộc cách mạng này và đã giành được thắng lợi. Chính quyền của giai cấp công nhân đã được thiết lập, những chính sách nhân văn, nhân đạo đã được ban hành và thực thi như thực hiện ngày làm 8 giờ, các quy định tiến bộ về giá cả lương thực, thực phẩm, về văn hoá, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ… Tuy nhiên, vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau mà cuộc cách mạng này đã bị giai cấp tư sản đàn áp và thất bại.
Nước Nga đầu thế kỷ XX là một nhà nước phong kiến lạc hậu và sau đó đã thất bại trước Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật 1904-1905. Tháng 2/1917, Sa hoàng tuyên bố thoái vị và nước Nga bước vào thời kỳ rối ren với 2 chính quyền song song tồn tại: Xô viết Đại biểu công nhân và binh lính Pêtrôgrat của giai cấp vô sản và Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Trước nguy cơ thành quả cách mạng rơi vào tay giai cấp tư sản phản động, Lênin và Đảng Bônsêvích đã thông qua Luận cương tháng Tư (1917), quyết định chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng khởi nghĩa vũ trang với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết”. Không ai, kể cả những người lạc quan nhất có thể nghĩ rằng chỉ sau đó mấy thập kỷ, cuộc cách mạng vô sản thứ 2 trên thế giới đã nổ ra và thành công làm rung chuyển thế giới trên phạm vi lãnh thổ 1/6 địa cầu, làm thức tỉnh các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh giành độc lập, chống áp bức, bất công.
Như vậy, cách mạng Tháng Mười Nga đã diễn ra theo đúng quy luật phát triển của lịch sử, đó là các hình thái kinh tế xã hội này được thay thế bởi các hình thái kinh tế – xã hội khác tiến bộ hơn.
• VẬN DỤNG SÁNG TẠO VÀO HOÀN CẢNH CỤ THỂ VIỆT NAM
Trong tác phẩm với tên gọi “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Và “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”. Có phải chính tư duy độc lập, đổi mới và sáng tạo này của Nguyễn Ái Quốc mà Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 đã chỉ trích Nguyễn Ái Quốc (?). Tháng 7/1920, khi đọc được “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng đến phát khóc lên khi khẳng định đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Thế nhưng, chính Nguyễn Ái Quốc cũng khẳng định rằng cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, cả gia đình Sa Hoàng đã bị giết. Thế nhưng, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cựu hoàng Bảo Đại đã được mời làm Cố vấn Tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngài còn được giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa I tại đơn vị bầu cử tỉnh Thanh Hóa (quê hương nhà Nguyễn).
Về sáng tạo này của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tiến sỹ Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã khẳng định Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin. Tiến sỹ Evgeny Kobelev cho rằng có ba sai lầm của Đảng Cộng sản Bolshevik mà Hồ Chí Minh đã tránh được, đó là: “Một là Đảng Bolshevik đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này. Hai là Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến. Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh. Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II. Hồ Chí Minh ngược lại, không tiêu diệt vua Bảo Đại mà đề nghị Bảo Đại làm Tổng cố vấn (Cố vấn tối cao – NV) của Chính phủ cách mạng”. Tiến sỹ Evgeny Kobelev cho biết, một trong các nguyên nhân làm cho Liên Xô sụp đổ chính là vào năm 1991, các phe đối lập ở Liên Xô đã triệt để lợi dụng ba sai lầm này của Đảng Bolshevik: “Phe đối lập đã sử dụng 3 sai lầm này của Đảng Bolshevik để chống lại Chính phủ Liên Xô, trên cơ sở đó làm Liên Xô tan rã”.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây chính là phương thức mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang trung thành và kế thừa xứng đáng tư duy sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.