Tân An, thôn nhỏ thuộc xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, nơi cộng cư của cộng đồng người Thái, người Kinh đang vươn mình thay đổi. Thôn nhỏ sung túc từ dâu tằm, từ tinh thần đoàn kết của cư dân, một lòng xây dựng Tân An ngày thêm đẹp, thêm xanh.
Người Thái ở Tân An trồng dâu, nuôi tằm |
Ông Cà Thành Minh, Chi hội Nông dân thôn Tân An, một người dân sống lâu năm trong thôn nhắc lại, Tân An vốn là đất mới, nơi những người Thái di cư từ miền núi phía Bắc vào từ những năm 50 của thế kỷ trước chọn làm nơi cư trú. Ở xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, bà con sống quanh các thôn như: Tân Đức, Tân An. Tân An đất cằn, nhiều đồi, trước đây, bà con sống bằng nghề trồng cây cà phê nên kinh tế rất khó khăn. Nhưng dù khó khăn đến mấy, người Tân An vẫn hăng say lao động, tích lũy kinh tế, đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Bà Lương Nữ Hoài Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn đánh giá, thôn Tân An là thôn mà cư dân có tinh thần hợp tác rất tốt. Năm 2017, khi con tằm hồi sinh trên đất Lâm Hà, cư dân Tân An học nghề tằm và ngay lập tức, bà con đã truyền đạt, khuyến khích nhau nuôi tằm. Hộ người Kinh sẵn nghề trồng dâu, nuôi tằm và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ giống dâu, động viên các hộ người Thái lân cận. Dần dần, toàn thôn nhà nào cũng có dâu tằm. Thôn rất nhỏ, chỉ có 150 hộ thì quá nửa trồng dâu, nuôi tằm. Và đặc biệt nhất, họ chủ động tập trung, thành lập tổ hợp tác nuôi tằm Tân An với 60 thành viên và diện tích 30 ha dâu.
Anh chị Hoàng Phúc Cường – Lò Thị Tân, đôi vợ chồng dân tộc Thái là thành viên tổ hợp tác từ những ngày đầu thành lập. Hai vợ chồng cùng chăm chỉ, đồng lòng nên đã xây dựng kinh tế gia đình khá giả, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn nhờ vào những sào dâu, những né tằm trắng. Chị Tân chia sẻ, từ giống dâu, kỹ thuật nuôi tằm, kỹ thuật vệ sinh nhà tằm, thuốc bệnh tằm, anh chị em đều hướng dẫn nhau rất kỹ, chia sẻ tận tình. Bà con đi đâu, có gì hay trong nghề tằm đều học hỏi để quan sát, về áp dụng thử, chia sẻ với bà con. Như việc dùng lưới đưa tằm chín lên né, trên địa bàn hiện chỉ có bà con Tân An áp dụng, cũng là kỹ thuật được áp dụng từ nghề đan lưới đánh cá, lưới trồng hoa vốn phổ biến trong cộng đồng người Thái ở Lâm Hà.
Và đặc biệt, người Tân An rất chú trọng tới môi trường, bà Lương Nữ Hoài Thanh đánh giá. Là thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, người Tân An chú trọng tới việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, môi trường canh tác nông nghiệp. Tân An là thôn mà bà con chủ động áp dụng việc sử dụng rác thải nông nghiệp, ngâm ủ cùng men vi sinh trichoderma. Cành dâu, phân tằm sau khi hết lứa được bà con xay nhuyễn, ủ cùng vôi, men, sau vài tháng là có được mẻ phân hữu cơ tơi xốp, dinh dưỡng cao bón trở lại cho vườn dâu. Tổ hợp tác còn hướng dẫn thành viên chế thuốc trừ sâu sinh học từ các cây lá bản địa như: riềng, ớt, tỏi, vỏ cam, vỏ dứa… Hàng tuần, nước từ thùng ủ được chiết ra, phun ngừa lên diện tích dâu, hạn chế rất nhiều sâu bệnh phát triển, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí cho người nông dân.
Với những nhà tằm, bà con cũng nhắc nhở nhau dọn vệ sinh thật tốt, không để rác thải vương vãi quanh sân, quanh nhà, làm nơi cư trú cho sinh vật gây hại. Quả thật, đi khắp thôn, rất hiếm thấy cảnh bao nilon, rác thải các loại vương vãi trên đường thôn. Ông Cà Thành Minh chia sẻ: “Làm nông nghiệp, nhất là trồng dâu, nuôi tằm thì phải giữ gìn môi trường tốt vì con tằm rất nhạy cảm, chỉ cần sơ suất là mất cả lứa tằm. Tằm đem lại cuộc sống sung túc cho người Tân An, người Tân An giữ gìn môi trường sạch sẽ cho tằm nhanh lớn”.
Dù diện tích đất nông nghiệp khá ít nhưng nhờ trồng dâu, nuôi tằm hiệu quả, thu nhập của người Tân An những năm gần đây không tệ. Tằm được nuôi gối đầu, chỉ cần 2 sào dâu, mỗi tháng một gia đình có thể cho thu nhập 15 – 20 triệu đồng, dư chi phí sinh hoạt cũng như cho con đến trường. Đời sống khởi sắc, người Tân An càng chú ý tới đời sống văn hóa tinh thần. Những dịp lễ, tết, xửa cóm (áo), xính (váy), xai én (thắt lưng)… rực rỡ của người phụ nữ Thái hiện diện khắp thôn. Các món ăn truyền thống như: khẩu lam (cơm lam), cáy pỉnh (gà nướng), món xôi ngũ sắc truyền thống của bà con được làm và mời toàn thôn, để bà con thưởng thức kho tàng ẩm thực phong phú của người Thái đen, Thái trắng. Những ngày hội như Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, ngày tết Độc lập… đều là những ngày hội lớn với người Tân An, với những sắc màu rực rỡ giữa màu xanh của đất cao nguyên.