Mùa thu 2014, Lưu Tuấn Anh, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh bắt đầu viết những trang đầu tiên của tập hồi kí “Những ô cửa gió lộng”. Cho đến mùa thu năm nay, cuốn sách mới ra mắt độc giả. Khoảng thời gian đủ dài có thể cho thấy cảm xúc của anh được nén rất chặt trong từng trang sách.
Những ô cửa gió lộng” là tập hồi ức cảm động của tác giả Lưu Tuấn Anh – con trai nhà thơ Xuân Quỳnh viết về mẹ, về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, về cha ruột, về các em trai Minh Vũ và Quỳnh Thơ… Cuốn sách được viết bằng văn phong giản dị, cuốn hút bởi những câu chuyện, kỷ niệm thấm đẫm tình thân và những bức hình quý lần đầu được công bố của tác giả Lưu Tuấn Anh.
Đã 36, kể từ mùa hạ cuối cùng của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ và Quỳnh Thơ (29/8/1988 – 29/8/2024) người thân, đồng nghiệp, bạn bè và công chúng vẫn nhắc, nhớ đến họ với những kỉ niệm chân thành và xúc động. Nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ vì bạn đọc, những người yêu văn chương luôn muốn biết, muốn hiểu nhiều hơn, rõ nét hơn về tác phẩm cũng như về con người thường nhật của các tác giả mà mình mến mộ. Có lẽ hiểu thấu điều mong mỏi đó, những người ruột thịt của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, bằng cách này hoặc cách khác, trong nhiều năm qua, cũng đã chia sẻ những kí ức của mình về người đã khuất.
Không dễ dàng khi viết thiên hồi ức về người thân, nhất là giữa cuộc đời sôi động hiện đại, luôn bận rộn và thiếu thời gian tĩnh tại hoài niệm về những người trong cõi nhớ. Có thể vì vậy mà tác giả Lưu Tuấn Anh, con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh, khi đã thực sự trưởng thành, dù đã khai bút những dòng đầu tiên vào mùa thu năm 2004, nhưng phải đến chín năm sau, bản thảo mới hoàn thiện rồi dần trở thành “Những ô cửa gió lộng” – tập hồi kí được nén chặt những yêu thương.
Trong thiên hồi ức này, ở vị trí gần gũi nhất, bạn đọc sẽ thấy một Xuân Quỳnh, một Lưu Quang Vũ, một bé Mí, một nghệ sĩ Lưu Tuấn, một Lưu Minh Vũ rất thân thiết với tình thương yêu tinh tế và lẽ sống giản dị. Cuốn sách không nhiều trang nhưng mỗi dòng chữ chứa đựng cả ân tình với những hình ảnh lần đầu tiên được công bố. “Những ô cửa gió lộng” cũng sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn và tiếp tục khám phá thêm những giá trị tiềm ẩn mà Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm trong các tác phẩm cũng như cuộc đời ngắn ngủi nhưng ý nghĩa của mình.
Tác giả Lưu Tuấn Anh chia sẻ: “Những câu chuyện trong cuốn sách này là tập hợp các mảng kí ức mà tôi mất chín năm hồi tưởng và sắp xếp lại. Cuốn sách này là lời tri ân dẫu muộn màng dành cho những người thân yêu của tôi. Nó cũng là tự sự từ đáy lòng mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc, những người yêu mến mẹ và dượng tôi”.
Trước đó, Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành các tác phẩm của Xuân Quỳnh: Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Xuân Quỳnh, tập thơ Bầu trời trong quả trứng, Thơ Xuân Quỳnh, tuyển tập thơ văn Trời xanh của mỗi người; và tuyển tập kịch của Lưu Quang Vũ Hồn Trương Ba da hàng thịt – Tôi và chúng ta. Tác phẩm của nhà thơ Xuân Quỳnh không chỉ ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng người lớn, những đôi lứa yêu nhau với những vần thơ nồng nàn của Sóng, Thuyền và biển, Hoa cỏ may, Sân ga chiều em đi… mà còn có một vị trí đặc biệt trong lòng trẻ thơ. Với Chuyện cổ tích về loài người, Con yêu mẹ, Bầu trời trong quả trứng… chị đã xác lập một vị trí không thể thiếu trong thơ thiếu nhi Việt Nam. Tại một hội thảo về văn học thiếu nhi gần đây do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã trân trọng: “Có hai chú dế được sinh ra từ tác phẩm văn học và sẽ sống mãi trong lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam. Đó là chú dế mèn của nhà văn Tô Hoài và chú dế trong thơ Xuân Quỳnh khi chị viết: “Tính mẹ cứ là hay nhớ/ Lúc nào cũng muốn bên con/ Nếu có cái gì gần hơn/ Con yêu mẹ bằng cái đó/ À Mẹ ơi có con dế/ Luôn trong bao diêm con/ Đây mở ra là con thấy ngay/ Con yêu mẹ bằng con dế” (Con yêu mẹ).
Hồi ức về Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ được viết khá nhiều từ trước tới nay bởi sự ra đi đột ngột của những người tài hoa, bởi tình cảm, sự trân quý của người ở lại với hai nhà thơ quá lớn. Nhưng, lần đầu tiên, những hồi ức được kể lại từ con trai của nhà thơ, sau gần 10 năm viết về câu chuyện của chính gia đình anh đã tìm được nhiều sự đồng cảm của độc giả. Chính vì thế “Những ô cửa gió lộng” dù là một cuốn hồi ký nhỏ vẫn dành được nhiều yêu thương của người đọc và được chọn đọc để hiểu thêm, thương thêm cuộc đời nữ sĩ Xuân Quỳnh, người được mệnh danh là “bà hoàng thơ tình Việt Nam”.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/mua-thu-doc-nhung-o-cua-gio-long-b802be6/