Những chùm dẻ trĩu quả vít cong cành cây. Cơ man nào là quả. Quả dẻ xù xì gai nhọn nhưng hạt bóc ra ăn thật béo và bùi. Cứ độ hè về, cũng là mùa dẻ chín, bọn trẻ chúng tôi như là những người bạn thân thiết của cả đồi dẻ. Đứa lớn thì trèo lên những cành cao hái dẻ, đứa nhỏ thì đi quanh gốc, cặm cụi vạch lá mục để nhặt những hạt dẻ sau khi đã căng nứt rơi vãi. Hạt dẻ đem về luộc hoặc rang lên – Đó là món ăn khoái khẩu của bao lớp trẻ quê tôi.
Ảnh: Minh họa |
Trên một quả đồi thoai thoải đủ các loại cây rừng, nhưng phần lớn là cây dẻ. Vì thế, người dân quê tôi gọi đó là Rú Dẻ (Đồi Dẻ). Những năm tháng tuổi thơ, Rú Dẻ như là người bạn chí tình, là nơi để hóng mát và vui đùa thỏa thích. Nhớ biết bao buổi trưa hè nóng nực, lũ trẻ chúng tôi lại trốn cha mẹ quên cả đòn roi để vào đây hái và nhặt hạt dẻ. Cứ thế, cả đồi dẻ đã đọng lại trong ký ức tuổi thơ của tôi không biết bao kỷ niệm vui buồn. Có người từng ví: Cây dẻ dẻo dai, có sức sống mãnh liệt trên vùng đất cằn cũng như người dân quê tôi khó nhọc, bám làng, bám đất từ bao đời nay.
Những ngày tháng yên ả của cả đồi dẻ cũng có lúc phải hứng chịu bởi bàn tay của con người. Những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, do nhu cầu đường sá đi lại, người ta đã lựa những cây dẻ to, thẳng, nhiều năm tuổi để làm những cây cầu tạm như cầu Đập Ngang, cầu Màng Giàng, cầu Máng Hổ, cầu Chậm… Vô số cây dẻ bị đốn hạ. Thật tiếc. Thật buồn. Cho đến mãi sau này, cả Rú Dẻ được công nhận là khu di tích lịch sử thì việc bảo vệ những cây dẻ nơi đây được chú trọng hơn.
Rú Dẻ cũng là nơi yên nghỉ của thân mẫu vua Mai Hắc Đế. Sinh thời, mẹ của vị “vua đen” này thường vào đây kiếm củi đong gạo nuôi con. Nhưng do phận bà kém may mắn sau một buổi chiều vào kiếm củi thì bị hổ dữ giết hại và hiện tại phần mộ của bà được an táng ngay đỉnh đồi. Thời ấy cho đến ngày được Nhà nước công nhận Rú Dẻ là khu Di tích lịch sử thì phần mộ của bà chỉ là một đống đá to, nhưng người dân trong vùng vẫn chăm chút và lo hương khói quanh năm. Người già thường kháo với nhau rằng, Rú Dẻ vậy mà thiêng lắm. Trong khu rừng rậm đó có rất nhiều loại rắn và mãnh thú nhưng từ khi thân mẫu vua Mai an nghỉ tại đây thì chưa có một ai bị rắn độc hay thú rừng sát hại.
Cách Rú Dẻ hơn một km là thôn Ngọc Trừng. Đứng trên nền đá cũ trơ trọi giữa những lùm cây lưa thưa là nơi từng sinh ra và lớn lên của vị anh hùng dân tộc Mai Hắc Đế. Một nén hương chưa tàn như ai đó vừa thắp không lâu để cầu mong một điều gì đó. Tôi cùng chú Ba là một người dân trong vùng đứng lặng bên đống đá tràm tràm do bà con gom lại. Hình ảnh cậu bé Mai Thúc Loan thuở nào ham học, đứng bên bờ dậu nhà mình chăm chú lắng nghe thầy giáo của nhà Thổ Hào giảng dạy cho quý tử nhà giàu như đang hiện về trong tâm trí của tôi. Một phút trầm ngâm, chú Ba giải thích: “Mặc dù là nền nhà cũ, nơi sinh ra và lớn lên của vua Mai Hắc Đế nhưng thiêng lắm đó. Người dân mỗi khi bị ốm đau bệnh tật hay nhà bị mất gia súc, gia cầm, đồ đạc thường lên đây khấn xin. Cũng linh nghiệm lắm, phần lớn gia chủ kiếm được đúng thầy, đúng thuốc nên khỏi bệnh. Còn gia súc, gia cầm, đồ đạc thì kẻ gian sợ quá nên “thả cho về” mà không dám bán hay giết thịt…”. Bọn trẻ chăn trâu lân la xung quanh tôi với cặp mắt tò mò. Chúng to nhỏ với nhau “Các chú ni đến đây chụp hình làm chi hề”.
Trải qua không biết bao nhiêu thời gian và nhiều biến cố của lịch sử, dù chỉ là đống đá đã trơ gan giữa mưa gió nhưng người dân trong vùng vẫn tôn kính và hướng lòng mình về người anh hùng đã có công đánh đuổi bọn đô hộ nhà Đường đem lại bình yên và hạnh phúc cho trăm họ. Ngày mồng một hay ngày rằm âm lịch hàng tháng, một số bà con trong vùng thường lên đây thắp hương bái vọng. Mặc dù, trải qua hàng chục thế kỷ và có không ít sự tích, câu chuyện được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác đượm màu sắc siêu linh. Dù có hay không đi chăng nữa, nhưng những sự việc đó nhằm bồi đắp thêm về sự tôn kính và ngưỡng vọng của người dân đối với vị vua Mai Hắc Đế.
Sau khi phần mộ của thân mẫu vua Mai được công nhận Khu Di tích lịch sử và được xây dựng, tu bổ khang trang trên đỉnh Rú Dẻ, có người trông coi và lo chuyện hương đèn quanh năm. Tôi cũng thầm mong rằng, trên nền nhà cũ của gia đình vua Mai Hắc Đế có một căn nhà tưởng niệm, để tiện cho bà con trong vùng và khách tứ phương có chỗ để hương khói thì tốt biết bao. Đến nay, cứ đến rằm tháng Giêng hàng năm, lễ hội vua Mai được tổ chức trang trọng, nô nức dân tứ phương về dự lễ hội. Những trò chơi mang đậm dân gian như đánh vật, kéo co, đánh trận giả, cờ người… diễn ra mấy ngày ròng.
Xa quê lâu năm, nhưng tôi vẫn mang theo những kỷ niệm thật tự hào, ngọt ngào và tràn đầy hạnh phúc của thời thơ ấu. Nay về với quê, một mình men theo những lối cũ năm nào trên Đồi Dẻ. Gió nồm lồng lộng thổi về từ dòng Lam giang làm mát rượi lồng ngực. Những chùm dẻ chi chít quả ươm vàng sắp chín vít cong cành cây khẽ chạm vào đầu. Trong không gian khá tĩnh lặng, chỉ có tiếng xào xạc của lá, tiếng chim cu gù nhau gọi bạn tình về làm tổ lúc hè về, hòa lẫn thoang thoảng mùi hương của các loại hoa trái, mùi rơm rạ của ai đó đang đốt đồng… Tôi bỗng nhớ lời chàng trai chân đất, hào hoa thuở nào khi đang hái dẻ cất lên điệu hò trách móc khi người mình yêu đi lấy chồng sao mà tình tứ, da diết:
Trời mưa Rú Dẻ mưa ra
Cu cu gáy giục, đa đa gù dồn
Tiếc mình em khôn lấy chồng buồn tủi.