Hai tháng cuối năm là mùa cỏ hồng ở Đà Lạt khi những thảm cỏ ở khu vực thung lũng vàng, đồi Masara chuyển màu hồng tím.
Mùa cỏ hồng đặc trưng của Đà Lạt xuất hiện duy nhất một lần trong năm vào khoảng từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12.
Hiện cỏ hồng đã nở khắp nơi tại Đà Lạt, trên những ngọn đồi dưới tán rừng thông hay trong khuôn viên các điểm du lịch như thung lũng vàng Đà Lạt, khu vực đồi trọc, cây cô đơn Dankia hoặc đồi Masara ở ngoại thành.
Cỏ hồng là một loài cỏ dại, thuộc nhóm lá kim, mọc thành từng bụi nhỏ, thân và lá đều mảnh. Khi mùa mưa qua, cỏ già lụi dần và cỏ non nhú lên khỏi mặt đất. Lúc này lá cỏ và những bông hoa nhỏ li ti có màu tím hồng. Vào sáng sớm, những hạt sương còn đọng dày trên cỏ, ánh lên dưới nắng nên nhiều người còn gọi là cỏ tuyết.
Mỗi gốc cỏ mọc thành từng khóm, bám sát mặt đất, cao không quá mắt cá chân người. Từng khóm cỏ hồng mọc san sát, đan xen nhau phủ kín cả một thung lũng hay một sườn đồi. Gam màu hồng tím khiến khung cảnh trở nên lạ mắt, khác biệt với các mùa trong năm.
Sống ở Đà Lạt, Phạm Kim Nhân, 28 tuổi, không bỏ lỡ mùa cỏ hồng vào mỗi dịp cuối năm. Địa điểm đầu tiên anh lựa chọn là đồi cỏ hồng ở thung lũng vàng nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 12km. Tại đây có quần thể rừng thông và đồi cỏ có diện tích khoảng 170ha, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia.
Đến đây vào ngày 20/11, Nhân cho biết cỏ đã nở kín ngọn đồi. “Khung cảnh như được khoác lên một lớp áo lông màu hồng dịu khi tiết trời Đà Lạt se lạnh”, anh nói.
Đối với những du khách không có nhiều thời gian, thung lũng vàng là địa điểm thích hợp để “săn” cỏ hồng. Ở đây có rừng thông, thảm cỏ hồng, nắng và sương sớm, giúp du khách có được những bức ảnh mang không khí đặc trưng của Đà Lạt.
Nhưng nếu muốn được chiêm ngưỡng cả một thảo nguyên cỏ hồng rộng lớn, du khách nên dành thời gian đến đồi Masara ở khu vực ngoại thành, anh Nhân cho biết.
Sau hơn hai tiếng để di chuyển, anh nhân đến đồi cỏ Masra thuộc thôn văn hóa Masara, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, cách trung tâm TP Đà Lạt gần 80 km. Khu vực này là nơi tiếp giáp hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, cũng là nơi cao nguyên Lâm Đồng bắt đầu giảm độ cao. Tại đây, cả một vùng thảo nguyên rộng lớn được nhuộm hồng bởi màu cỏ.
Khác với các đồi cỏ hồng mọc cùng rừng thông, ở Masara, cỏ hồng mọc trên đồi trọc, chỉ một vài chỗ có cây thông nhưng số lượng không nhiều.
Không có rừng thông che phủ, màu cỏ hồng bao phủ toàn bộ khu vực rộng lớn. Cỏ hồng ở Masara đậm màu hơn, gần giống màu cỏ cháy do chịu ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời suốt một ngày, khác với màu hồng tuyết như ở thung lũng vàng.
Vẻ đẹp của Masara là sự kết hợp giữa thảo nguyên cỏ hồng và không gian rộng lớn. Đứng ở bất kỳ nơi nào trên đồi đều có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn màu cỏ trải dài đến chân trời, anh Nhân chia sẻ.
Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng và chụp ảnh cỏ hồng là sau hoàng hôn lúc 16h và lúc bình minh, khoảng 6h – 8h. Khi đó ánh nắng dịu nhẹ, không quá gắt, cỏ lên màu đẹp.
Masara cũng là một trong những nơi cắm trại và đón bình minh đẹp nhất ở Đà Lạt, đặc biệt vào cuối năm. Du khách có thể mang dụng cụ cắm trại đến dựng lều nghỉ qua đêm và chiêm ngưỡng thảo nguyên hồng trong ánh bình minh vào sáng hôm sau.
Khi cắm trại, du khách nên chọn khu vực ít cỏ, khuất gió để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan. Ban đêm, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, cần chuẩn bị đủ trang phục, dụng cụ giữ ấm để đảm bảo sức khỏe, anh Nhân chia sẻ.
Mùa cỏ hồng kéo dài đến khoảng hết tháng 12, tùy từng địa điểm mà cỏ có thể tàn sớm hoặc muộn hơn. Cỏ hồng thường đẹp nhất vào khoảng cuối tháng 11.
Cỏ hồng chỉ đẹp khi có đủ sương và nắng, du khách nên chọn những ngày nắng đẹp, màu hồng của cỏ lên rõ hơn. Tránh đi vào những ngày mưa hoặc trời âm u, màu cỏ sẽ nhạt và tối hơn.
Đà Lạt đang vào mùa nắng lạnh, du khách có thể kết hợp ngắm cỏ hồng và săn mây, sương, hoa dã quỳ để tận hưởng hết vẻ đẹp của nơi này trong những tháng cuối năm.
Quỳnh Mai
Ảnh: Phạm Kim Nhân