Vẫn đối mặt với tình trạng được mùa mất giá
Ông Nguyễn Vĩnh Quảng – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Lâm Đồng – cho biết, với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông sản. Cả tỉnh hiện có trên 367.000 ha gieo trồng đa dạng các loại rau, hoa, trái cây; trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt trên 68.000 ha. Song song đó, Lâm Đồng cũng phát triển nhiều sản phẩm chế biến độc đáo như trà, cà phê, rượu vang, mứt mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất cao nguyên.
Các gian hàng đặc sản, đồ uống, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tại Trung tâm nông sản, đặc sản Nông Phố (Ảnh: Đoàn Kiên) |
Thời gian gần đây, Lâm Đồng tập trung phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh; xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Lâm Đồng hiện có 352 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và 22 chứng nhận nhãn hiệu độc quyền và tiêu biểu là nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đại diện cho bốn nhóm sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông.
Ông Lương Hữu Phú Lộc – Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên Long (Lâm Đồng) – chia sẻ, Lâm Đồng có lợi thế về thời tiết và thổ nhưỡng để sản xuất đa dạng các loại nông sản nhiệt đới, cận nhiệt đới và một số loài ôn đới. Tận dụng ưu thế đó, Công ty tổ chức sản xuất và chế biến các sản phẩm nấm bào ngư, nấm hương có giá trị dinh dưỡng cao với chi phí thấp hơn so với địa phương khác. Hiện tại sản phẩm đang được phân phối tại các nhà hàng chay ở Lâm Đồng và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, là vùng sản xuất đa cây, đa con và phát triển khá toàn diện, đối với người nông dân Lâm Đồng, trong quá trình sản xuất thì vấn đề kỹ thuật, công nghệ không còn quá quan trọng và xa lạ. Mặc dù vậy, vấn đề đầu ra sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn còn trăn trở. Vấn đề “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nông dân Lâm Đồng cũng như cả nước đều gặp phải từ trước đến nay.
Đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản địa phương
Nhằm mục đích kết nối nông sản, đặc sản trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công ty Ulink thành lập Trung tâm nông sản, đặc sản Nông Phố.
Ông Nguyễn Thái Khoa – Giám đốc Trung tâm nông sản, đặc sản Nông Phố – cho biết, với gần 50 gian hàng gồm các nhóm: Đặc sản, đồ uống, các sản phẩm OCOP, nước trái cây, nông sản, hoa tươi, cà phê, mỹ nghệ đến từ gần 30 đơn vị sẽ giúp cho nông sản dễ dàng tiêu thụ hơn. Bên cạnh đó, Nông Phố tổ chức các phiên chợ nông sản và đặc sản, tạo nên một điểm đến văn hoá đặc trưng và mua sắm hàng hoá Lâm Đồng chính gốc. Từ trung tâm này, khách hàng cũng có thể kết nối trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để có thể cung ứng sản phẩm theo yêu cầu.
Là đơn vị chuyên cung ứng các loại sản phẩm như bí sợi mì, bí giọt nước, lơ baby, ớt ngọt, ớt chuông… và tham gia trưng bày sản phẩm tại Nông Phố, bà Lương Thị Yến Vân – Giám đốc Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt – cho biết, HTX mong muốn các sản phẩm do hợp tác xã làm ra sẽ được xúc tiến thương mại, được quảng bá rộng rãi hơn, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, hợp tác tiêu thụ sản phẩm, ngày 6/9, tại Đà Lạt, Sở Công Thương hai tỉnh An Giang và Lâm Đồng phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp và nhà phân phối của hai địa phương. Tham dự hội nghị có 20 doanh nghiệp của hai tỉnh với những sản phẩm đặc trưng nổi tiếng, mang thương hiệu của mỗi địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng – cho hay, đối với An Giang, các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của Lâm Đồng như: Trà Atiso, nấm đông trùng hạ thảo, các loại mứt sấy khô, cà phê và rau củ quả mang thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” rất được ưa chuộng tại thị trường An Giang.
Ở chiều ngược lại, các sản phẩm của An Giang như chả cá, cá khô, nước mắm, trái cây cũng đặc biệt được người dân Lâm Đồng ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, phần lớn đều chưa có sự liên kết ở quy mô lớn. Hội nghị kết nối như một cánh cửa mở ra để doanh nghiệp và nhà phân phối hai bên có được tiếng nói chung về cách thức hợp tác, đảm bảo thông thương và cho nhau cơ hội để trao đổi hàng hóa, giao thương trên phạm vi lớn và có hệ thống.
Đại biểu tham quan các gian hàng tại “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh” (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN) |
Không chỉ dừng lại trong việc quảng bá sản phẩm tại địa phương, công tác kết nối đến các tỉnh/thành phố cũng đã được Lâm Đồng đẩy mạnh, triển khai từ đầu năm đến nay. Ngày 23/8, tại Showroom Xuất khẩu (92 – 96 Nguyễn Huệ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (TIPC) đã khai mạc “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh”.
Ông Nguyễn Vĩnh Quảng cho hay, TP. Hồ Chí Minh là một thị trường tiêu thụ lớn và là trung tâm kết nối thương mại cho cả khu vực phía Nam. Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Lâm Đồng tại TP. Hồ Chí Minh là cơ hội để các sản phẩm OCOP cùng những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Lâm Đồng được tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng tại thị trường sôi động bậc nhất cả nước.
Chuỗi hoạt động triển lãm và Hội nghị kết nối thương mại và đầu tư doanh nghiệp Lâm Đồng – TP. Hồ Chí Minh còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp,cơ sở sản xuất của Lâm Đồng tìm hiểu thông tin thị trường, tìm đầu mối đưa hàng hoá vào hệ thống phân phối, bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại những thành phố lớn, hướng đến xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định để phát triển bền vững.
Ông Trần Phú Lữ – Giám đốc ITPC – cho rằng: “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Lâm Đồng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, giúp người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.
Còn theo ông Nguyễn Văn Khánh, với vai trò cầu nối, ngành Công Thương Lâm Đồng đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là giải pháp giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của Lâm Đồng tìm hiểu thông tin thị trường, tìm đầu mối đưa hàng hoá vào hệ thống phân phối, bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại những thành phố lớn, tạo đầu ra ổn định để phát triển bền vững cho nông sản địa phương.
Nguồn: https://congthuong.vn/lam-dong-mo-rong-thi-truong-cho-nong-san-dac-san-dia-phuong-344126.html