Xã Lộc Quảng thuộc huyện Bảo Lâm, bao đời nay là vùng đất sỏi đá khô cằn cây lá lưa thưa, mãi đến sau năm 1990 một số nhà kinh doanh nghề trà trong và ngoài nước tình nguyện đến đầu tư chuyên giống trà Ô long. Đến nay khu vực này trở thành vùng nguyên liệu với những đồi chè xanh tươi bạt ngàn…
Bà Lại Quỳnh Dao – Giám đốc Công ty Trà Kim Điền |
Nhớ những năm xưa thời làm phiên dịch, tôi được gặp vài chuyên gia ngành nông nghiệp Nhật và Do Thái tại xứ trà B’Lao. Đa số trong họ đều hỏi tôi tại sao những ngọn đồi đẹp với các hồ nước trong xanh như thế này lại bỏ hoang vậy? Lúc ấy, tôi giải thích theo cách ứng xử ngoại giao là lãnh đạo chúng tôi đã có kế hoạch rồi! Nhưng phủ xanh trên vùng đất khô cằn này là gì thật tình tôi không biết, cho đến sau năm 2000 được gặp ông Lại Thế Cần, con ruột của ông Cai Liêm (Lại Thế Liêm), một trong những người viết giấy “khai sinh” cho nghề trà B’Lao từ năm 1945. Ông Cần bây giờ là chủ một vùng nguyên liệu trà Ô long rộng gần 100 ha tại đây với những nhà máy hiện đại chuyên sản xuất trà Ô long mang thương hiệu Tam Dương. Sau này các nhà đầu tư Nhật, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đến đây bắt tay nghề trà phủ xanh vùng đất hoang vắng này.
Năm 2020 gặp lại ông Cần, vì là bạn thân nên tôi mạnh dạn hỏi: “Bố ông là một trong những người đầu tiên xây dựng thương hiệu trà B’Lao của người Việt gần 80 năm, ông giữ được nghề là diễm phúc của một gia tộc, nhưng đối với một gia đình người Nhật có nghề ổn định, họ thường cho hậu duệ ra nước ngoài học thêm để mai sau trở về phát triển nghề gia truyền và cứ thế tồn tại. Vây ông có ý định cho các con ông ra nước ngoài để tiếp cận nghề trà hiện đại chưa?”. Ông Cần trả lời: “Đã làm theo người Nhật rồi. Mai này mình về với đất sẽ giao lại cho chúng nó tiếp tục thừa kế!”. Tàn tiệc trà, ông bá vai dẫn tôi ra một góc đồi gần đó giới thiệu: “Đây là khu đất nhỏ dành cho vợ chồng tôi và tro cốt của bố mẹ, sau này an nghỉ quay mặt về cánh đồng xanh này để đời sau chúng nó nhớ đến những tiền nhân gia tộc một thời cày xới ngoài đồng và khai thác trí tuệ trong thư viện nhà mới có cơ đồ hôm nay”. Lúc ấy, tôi ôm anh nói thật với lòng mình: “Đời người ai rồi cũng trở về với đất, làm cha mẹ sau khi ra đi thường để lại cho con cái một trong hai thứ, đó là sự danh giá của một gia tộc gọi là tài sản vô hình và hữu hình là vật chất. Đời anh chị đã để lại cùng lúc 2 loại trên là hồng phúc dòng họ Lại rồi”.
Phơi trà |
Khu nguyên liệu trà của ông Cần gần như phủ xanh các ngọn đồi trọc xung quanh với 3 nhà máy sản xuất chế biến và đóng gói trà Ô long hiện đại. Mặt hàng trà Tam Dương của ông không những bán cho thị trường trong nước mà còn xuất sang Nga, Bắc Mỹ và Trung Đông nữa. Bây giờ vợ chồng ông đã già, lui về làm “Thái thượng hoàng”. Cũng đã mấy lần ông kể cho tôi nghe về đứa con cả Lại Thế Cảnh người mở công ty du lịch sinh thái về trà theo mô hình OCOP của Lâm Đồng, con gái Lại Quỳnh Dao sau khi học chuyên nghề sinh học ở Đài Loan rồi sang Mỹ đã về nước bắt tay vào việc.
Tuần rồi, trở lại thăm ông, may mắn được gặp cháu Lại Quỳnh Dao. Cháu Dao, tuy mới 38 tuổi nhưng là một phụ nữ đẹp quý phái với gương mặt phúc hậu. Cháu rất chững chạc điềm đạm trong giao tiếp với nụ cười thân thiện, hình ảnh đó đã thể hiện sự thành công bước đầu đàm phán trong thương trường. Khi được hỏi: “Sau khi học tập ở nước ngoài về làm Giám đốc Công ty Trà Kim Điền với các mặt hàng mới có khó khăn gì không?”. Quỳnh Dao tự tin giải thích: “Cháu được sinh ra và lớn lên theo thăng trầm nghề trà của ông nội và bố ở B’Lao, tuổi thơ đã gắn bó với cây trà, công nhân và nhà máy. Sau này được trải nghiệm thêm ở vài nước nên bắt tay vào việc không khó khăn lắm. Tuy nhiên để thừa kế nghề trà của dòng tộc theo thị trường toàn cầu bây giờ, anh em cháu ngoài kỹ năng giao tiếp với khách hàng còn phải đầu tư vào các phần mềm như thương mại điện tử (Electronic Commerce) và tiếp thị điện tử (Digital Marketing) để kết nối thị trường nội tiêu và ngoại tiêu, nói như ba cháu ngày xưa là bơi ra biển lớn. Tên Kim Điền mang nội hàm vàng trong đất do ông nội cháu đặt từ năm 1945, thời ấy là mặt hàng truyền thống, bây giờ là cuộc sống số phải phân khúc thị trường như tuổi mới lớn thích hợp với trà sữa, nhân viên văn phòng thích hợp với trà hoa và người lớn là trà Ô long truyền thống. Loại trà Matcha và Gaba của Công ty Kim Điền trước mắt chú luôn được che lưới theo mô hình sản xuất dây chuyền Nhật Bản. Đây không những là nước uống giải khát ở Đông Nam Á mà còn là dược liệu thiên nhiên bổ sung cơ thể được các nước Nhật, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga trân trọng. Anh em cháu sẽ cố gắng hết sức mình theo nghề gia tộc và phát triển thương hiệu trà của người Việt từ năm 1945 đến nay tại xứ Bảo Lâm, Bảo Lộc mình”.
Nông trang trà tại Bảo Lâm |
Tạm biệt những ngọn đồi chè xanh lộng gió từ vùng đất sỏi, tôi nhớ đến ông Honda Soichiro người Nhật đã đầu tư cho con cháu ra nước ngoài để trở về làm rạng danh gia tộc và đất nước mình. Nhớ ông Elon Musk người Mỹ, chuyên gia phần mềm làm thay đổi thế giới với câu nói: “Tuổi trẻ thời nay không nhất thiết phải học lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà hãy học một nghề mình yêu thích để sau này trở thành chuyên gia nghề đó tự nuôi mình và vươn lên làm giàu đất nước là hạnh phúc rồi”.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202412/mau-xanh-tu-vung-dat-soi-71008bb/