Vùng đất Lâm Đồng ngày nay từ lâu đã có con người sinh sống, mà hậu duệ của họ cho đến lúc bấy giờ là các cộng đồng người Mạ, Cơ Ho, MNông, Chu Ru, Rắc Lây,… Đến cuối thế kỷ XIX, các dân tộc bản địa có phương thức sản xuất chính là du canh du cư, đốt rừng làm rẫy, kinh tế mang tính chất tự cấp tự túc. Trồng trọt là ngành sản xuất chính, ngoài ra còn săn bắn hái lượm, chăn nuôi gia súc gia cầm, các ngành thủ công như dệt vải, rèn, đan lát mới bước đầu phát triển, giao lưu kinh tế còn rất hạn chế.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, luồng di dân từ các tỉnh miền Trung vào Lâm Đồng ngày càng nhiều cũng góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Cho đến giữa những năm 1960, Lâm Đồng có khoảng 8.000ha chè, sản lượng rau thương phẩm cung cấp cho Sài Gòn và các tỉnh miền Trung tương đối lớn. Đồng thời, chiến tranh cũng làm cho nông nghiệp không phát triển liên tục, diện tích đất canh tác bị thu hẹp. Với chính sách dồn dân lập ấp chiến lược, sản phẩm nông lâm nghiệp ngày càng giảm sút, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Trong thời kỳ này sản xuất công nghiệp tuy phát triển với mức độ cao hơn trước năm 1954 nhưng vẫn còn nhỏ bé, chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất điện nước, đồ sứ; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như chế biến mứt, rượu, làm đồ gỗ, đồ mỹ nghệ chỉ phát triển chủ yếu ở Đà Lạt, còn hầu hết các địa phương khác chưa phát triển.
Ta có thể điểm qua vài mốc Lịch sử Lâm Đồng qua các thời kỳ:
- Ngày mồng 01 tháng 11 năm 1899, chính quyền Pháp lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du Haut Donnai), tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring)
- Năm 1903, bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh, do đại diện của Công sứ Bình Thuận cai trị
- Năm 1913, nhập đại lý Đà Lạt với đại lý Di Linh, gọi chung là đại lý Di Linh và vẫn thuộc tỉnh Bình Thuận
- Ngày mồng 06 tháng 01 năm 1916: thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh Lâm Viên còn được gọi là Langbiang hay Lâm Biên
- 31 tháng 10 năm 1920: xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt
- Ngày mồng 8 tháng 01 năm 1941, lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng chuyển về Di Linh
- Ngày mồng 19 tháng 05 năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, đồng thời tách một phần đất sáp nhập với thành phố Đà Lạt, thành lập tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng gồm 2 quận Bảo Lộc (Blao) và Di Linh. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng. Như vậy tỉnh Lâm Đồng do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt bao gồm 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức do Việt Nam Cộng hòa đặt.
- Tháng 2 năm 1976, sáp nhập tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức thành tỉnh Lâm Đồng mới.
Cổng TTĐT tỉnh