Đất Lộc Thành đang bước vào những ngày đầu vụ thu hoạch cà phê, với những niềm hi vọng chín đỏ trên cành. Và, một cô gái K’Ho cũng đang mày mò cùng con đường xây dựng thương hiệu cà phê quê hương.
Ka Nhuỵ hái những trái cà phê Robusta chín đỏ |
• TỪ CHIẾC CHẢO RANG CÀ PHÊ TRÊN BẾP CỦI
Ka Nhuỵ, cô chủ của thương hiệu cà phê LeK vốn là con gái Thôn 15, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Ka Nhuỵ gắn bó với cây cà phê từ nhỏ xíu khi theo mẹ, theo bà ra vườn, lên rẫy. Lớn lớn một chút, Ka Nhuỵ đi làm công nhân cho các công ty cà phê trong vùng như Acom, Hương Bản. Cô gái khi ấy còn khá trẻ đã băn khoăn, vì sao người nông dân trồng được hạt cà phê vất vả thế, trồng chăm sóc cả năm mà chỉ thu hoạch, bán đi là xong, trừ hết phân, thuốc, thu nhập cũng không còn mấy. Băn khoăn này đã thúc đẩy Ka Nhuỵ mày mò trên con đường gây dựng một thương hiệu cà phê cho bản thân và gia đình.
Năm 2012, Ka Nhuỵ bắt đầu chế biến thử nghiệm cà phê ngay từ vườn nhà. Hái trái thật chín, phơi, xay và rang trên chiếc chảo, bằng bếp củi, những hạt cà phê Bảo Lâm chín dần. Cà phê rang, xay thủ công dù còn chưa hoàn hảo nhưng vị mộc mạc, thuần hậu của hạt cà phê xứ núi đã được một số ít bạn bè, khách hàng ưa thích. Và với sự động viên của người thân, Ka Nhuỵ mở dần việc sản xuất của gia đình, rang – xay và bán hạt cà phê. “Hồi ấy em ngồi bên bếp củi, tay đảo cà phê mỏi nhừ mà vẫn say, vẫn mê. Mọi người cũng khuyến khích rất nhiều vì dù cà phê rang tay chưa chuẩn lắm nhưng bù lại hạt cà phê mộc có hương vị riêng, lại sạch nên mọi người rất thích” – Ka Nhuỵ kể lại thời gian đầu khởi nghiệp.
Càng làm càng say, Ka Nhuỵ quyết tâm chế biến hết lượng cà phê vườn nhà. Với diện tích 1,8 ha, mùa sai bù mùa kém, mỗi năm gia đình cô cũng thu được 9-10 tấn nhân xanh mẩy chắc. Sau đi tuyển lựa, thải những hạt không đủ phẩm chất, Ka Nhuỵ còn lại những hạt cà phê thơm lừng, mang hương vị nắng, gió của đất cao nguyên quê hương.
Bước ngoặt ra đời năm 2016, Ka Nhuỵ xin giấy phép kinh doanh, mở quán cà phê vừa phục vụ bà con địa phương, vừa là điểm giới thiệu sản phẩm. Được bà con ủng hộ, khách hàng ưa chuộng, năm 2021, Ka Nhuỵ làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho cà phê của mình và LeK coffee ra đời. Trải qua hai năm khó khăn bởi dịch COVID-19 khiến hầu hết các hoạt động kinh tế đình trệ, từ cuối năm 2022 và niên vụ 2023, cơ sở của Ka Nhuỵ đã bắt đầu khởi sắc.
• THƯƠNG HIỆU TỪ TÌNH YÊU
“Cà phê của gia đình em chủ yếu bán tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, thực sự cái tên thương hiệu cũng bắt đầu từ tình yêu thương, cũng là khởi nguồn cho LeK hôm nay”, Ka Nhuỵ tâm sự với hạnh phúc đong đầy. Chồng của Ka Nhuỵ, chiến sỹ công an Lê Minh Điều đang công tác tại TP Cần Thơ. Anh và những người bạn yêu cà phê là động lực rất quan trọng để Ka Nhuỵ mở ra thương hiệu LeK – tên gọi ghép đôi họ của hai vợ chồng.
Để có những hạt cà phê rang xay đạt chuẩn, Ka Nhuỵ xác định bắt đầu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch cho tới chế biến. Cà phê trong vườn của cô và gia đình đều đã được tái canh, với các giống cà phê được ngành Nông nghiệp khuyến khích sử dụng, nhân to, năng suất tốt. Cây cà phê được chăm bón tốt, mùa vụ nào cũng cho trái trĩu cành. Tới vụ hái, Ka Nhuỵ yêu cầu hái chín, trái đỏ để đảm bảo chất lượng hạt tốt nhất, trái cà phê mang đầy đủ hương vị. Trái cà phê được phơi trên bạt sạch cho khô giòn, sau đó tách vỏ lụa và tuyển phân loại. Từ đó mới đưa vào rang theo yêu cầu của khách hàng. Và thay cho chiếc chảo trên bếp củi, hiện, LeK đã sử dụng máy rang tự động, với nhiệt độ và thời gian được canh chuẩn xác, đảm bảo chất lượng ổn định trên mỗi mẻ rang.
Bảo Lâm là đất của cà phê Robusta, sản phẩm chính của LeK là cà phê Robusta. Nhưng để tăng sức cạnh tranh, LeK sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng, theo sở thích, thói quen, khẩu vị của khách. Bởi vậy, Ka Nhuỵ liên kết với một vài farm tại Đạ Sar (Lạc Dương) để nhập hạt Arabica chất lượng cao về phối trộn cho khách. Nhiều khách ưa thích mùi hương đậm, lắng, Ka Nhuỵ mix – trộn thêm cả những hạt cà phê Culi, cà phê Cherry (cà mít) cổ của đất Bảo Lâm. Ka Nhuỵ chia sẻ, mục tiêu của LeK là cá nhân hoá từng khách hàng, khách sẽ tìm được hương vị cà phê phù hợp với mình tại LeK. “Mang lại ly cà phê thơm ngon cho người yêu cà phê, mang lại thu nhập cao cho người nông dân là mục tiêu của LeK” – Ka Nhuỵ khẳng định.
Chị K’Uỳnh – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đánh giá, thương hiệu LeK của Ka Nhuỵ là một khởi nghiệp khá thành công của phụ nữ địa phương. Tận dụng được những hạt cà phê ngay tại quê hương, chị Ka Nhuỵ đã xây dựng thương hiệu rất bài bản, là một điển hình phụ nữ khởi nghiệp trên quê hương Lộc Thành.