Bên cạnh vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, UBND huyện Lâm Hà khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư và duy trì nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, anh Nguyễn Trọng Hiền đã điều khiển hệ thống để tưới tự động cho 6.000 m2 trồng cà chua của gia đình |
Tại xã Đạ Đờn, mô hình trồng ớt chuông trên giá thể theo hướng công nghệ cao đã giúp gia đình ông Lê Văn Thường phát huy được tối đa những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn.
Để hoàn thiện 2 sào vườn ớt chuông theo hướng công nghệ cao, gia đình ông đã bỏ ra khoảng 500 triệu đồng. Hiện, nhà kính được lắp đặt các hệ thống máy móc, trang thiết bị bài bản, khoa học như hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân và cung cấp các chất dinh dưỡng vi lượng phù hợp, cần thiết cho cây.
“Với kinh nghiệm của bản thân, để trồng ớt chuông có hiệu quả và thu được sản lượng lớn, tôi ưu tiên phương pháp trồng trong giá thể và ứng dụng công nghệ cao. Bởi so với môi trường đất, giá thể có thể tạo độ thông thoáng tốt hơn, duy trì được môi trường có độ ẩm tốt cho sự phát triển của cây” – ông Lê Văn Thường nói.
Hiện, ông Thường có tất cả trên 3.000 giá thể trồng ớt chuông. Trung bình 3 – 4 ngày, vườn ớt của ông cho thu một lần, mỗi lần thu được 8 – 9 tạ với giá bán ra tùy thuộc vào thị trường, giao động từ 25 – 40 ngàn đồng/kg. Phần lớn, số ớt chuông được các thương lái đến tận vườn thu mua, chủ yếu xuất đi tại các địa bàn trong tỉnh như Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng.
Hay tại xã Tân Hà, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, ở bất cứ đâu, anh Nguyễn Trọng Hiền đều có thể điều khiển hệ thống để tưới tự động cho 6.000 m2 trồng cà chua của mình mà không cần đến tận nơi.
“Trên cơ sở đầu tư, năm 2016, tôi cũng đã đầu tư thiết bị tưới nhỏ giọt. Sau này, khi gặp gỡ, tiếp xúc và tham quan một số mô hình ứng dụng công nghệ thông minh tôi cảm thấy tiện lợi nên ít năm sau đó, vợ chồng quyết định đầu tư” – anh Hiền cho hay.
Theo anh Hiền, mô hình ứng dụng công nghệ thông minh này bao gồm các thiết bị điều khiển tự động có thể kết nối internet và điện thoại di động, cho phép nông dân điều khiển các thiết bị chăm sóc cây trồng từ xa. Ngoài ra, nó có thể lập trình cho thiết bị hoạt động theo lịch. Việc có thể giám sát vườn từ xa, không chỉ giúp anh Hiền tiết kiệm được thời gian, chủ động trong việc chăm sóc, mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất do chế độ tự động chiếu sáng, tưới tiêu một cách tỉ mỉ và hợp lý.
“Mặc dù chi phí đầu tư hệ thống thông minh khá cao, tuy nhiên, bản thân tôi cảm thấy nếu sản xuất lâu dài, đây sẽ là một trong những phương pháp giúp các nông hộ rất nhiều. Chưa kể đến chất lượng sản phẩm, hệ thống thông minh này sẽ tiết kiệm nước và lượng nhân công chăm sóc và trông coi vườn” – anh Hiền thông tin thêm.
Năm 2023, tại xã Tân Hà, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được duy trì và phát triển với diện tích nhà kính tăng 7,7 ha, nâng tổng diện tích nhà kính lên 40,7 ha và 100% diện này được ứng dụng công nghệ cao như tưới tiết kiệm, tưới béc…, tăng 112% so với năm 2022.
Ông Mai Văn Dinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà cho biết: Đối với rau, hoa công nghệ cao, thời gian qua, địa phương đã vận động các hộ gia đình có điều kiện xây dựng các mô hình nhà lưới, nhà kính để canh tác theo kỹ thuật công nghệ cao như trồng ớt chuông, dưa bao tử, dưa lưới, cà chua Babi, hoa các loại… Theo đó, năm 2024, phấn đấu mỗi thôn có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm tiêu biểu tại thôn, hộ gia đình. Đồng thời, phát triển diện tích rau, hoa công nghệ cao trên địa bàn xã đạt 50 ha.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà, toàn huyện hiện có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn là 16,258 ha/16,250 ha kế hoạch, chiếm 31,7% diện tích canh tác. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 5,952 ha, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, thực hành nông nghiệp tốt là10,653 ha (4C, UTZ, VietGap, Hữu cơ,…).
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện cũng đề ra một số công nghệ định hướng người dân ứng dụng vào sản xuất. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt sẽ ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính; công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; công nghệ đèn Led; ứng dụng công nghệ cảm biến thông minh kết nối và điều khiển tự động (IoT); công nghệ giống, cơ giới hóa, tự động hóa, bón phân tự động, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh hại; kỹ thuật sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm.
Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, sử dụng giống vật nuôi giống mới, giống lai; trang trại đồng bộ, chuồng trại khép kín; ứng dụng các công nghệ quản lý trang trại thông minh, chủ động kiểm soát nhiệt độ, tự động cung cấp thức ăn, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tuần hoàn, kiểm soát dịch bệnh.
Qua đó, phấn đấu đến hết năm 2024, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, thực hành nông nghiệp tốt đạt 16,495 ha, chiếm 32% diện tích đất canh tác.