(LĐ online) – Sáng 8/8, tại thành phố Tân An, Sở Công thương Long An và Sở Công thương Lâm Đồng tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Sở Công thương Lâm Đồng kí kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản với Sở Công thương Long An |
Phó Giám đốc Sở Công thương Long An Châu Thị Lệ chia sẻ, Long An có vị trí đặc biệt, là cửa ngõ Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong thời gian qua, doanh nghiệp tại Long An phát triển nhanh và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp tại Long An được đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước
Các sản phẩm mà doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Lâm Đồng mang đến giới thiệu, quảng bá tại Long An được đánh giá cao. Hầu hết các sản phẩm đến từ Lâm Đồng có tính đặc trưng vùng, miền và không lẫn vào sản phẩm của các tỉnh, thành phố khác, trong đó có Long An.
Long An hiện có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích, kỳ vọng qua hội nghị này, sản phẩm đến từ Lâm Đồng sẽ được kết nối với doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tại Long An.
Tại buổi kết nối, có 17 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ Lâm Đồng quảng bá, trưng bày sản phẩm như sâm đương quy, hạt mắc ca, rau, củ, quả sấy, trà, cà phê, đông trùng hạ thảo, bánh mứt các loại, tinh dầu massage, nông sản sấy các loại.
Giới thiệu nông sản Lâm Đồng tại thị trường Long An |
Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 6083/KH-UBND ngày 24/8/2021 của UBNDtỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn liền với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Rạch Giá tổ chức Chương trình triển lãm sản phẩm Đà Lạt – Lâm Đồng tại Coopmart Rạch Giá từ ngày 28-30/7/2023.
Triển lãm cũng là dịp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận, được cấp quyền sử dụng chứng nhận nhãn hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến với người tiêu dùng; góp phần tăng cường ý thức, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc thông việc sản xuất và tiêu dùng hàng Việt cũng như các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Khánh, thời gian qua, Lâm Đồng quan tâm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho hàng hóa. Lâm Đồng hiện có 416 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 181 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Lâm Đồng có 768 sản phẩm “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Tuy nhiên, các sản phẩm nói trên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển thương mại, chưa được kết nối rộng rãi đến các nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường, nhất là khu vực phía Nam. Lâm Đồng đang tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, kỳ vọng được kết nối vào hệ thống bán lẻ tại các địa phương khu vực phía Nam, một thị trường rộng lớn và có truyền thống ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Đà Lạt.