(LĐ online) – Sáng ngày 2/11/2023, tại thủ đô Hà Nội diễn ra sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” 2023 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức. Hội nghị tập trung trao đổi tình hình, biện pháp và các đề xuất thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư; giáo dục – đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực; văn hoá – du lịch.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm |
Các hoạt động bao gồm trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam- Nhật Bản; Phiên khai mạc và các phiên chuyên đề: (1). Tăng cường thương mại và đầu tư; (2). Giáo dục – đào tạo và hợp tác phát triển nguồn nhân lực; (3). Hợp tác phát triển văn hoá và du lịch.
Về phía tỉnh Lâm Đồng có sự tham gia của đồng chí Phạm S – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm trưởng đoàn và lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Văn hoá – Thể thao và Du lịch; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại và du lịch và Văn phòng UBND tỉnh.
Tại phiên chuyên đề Hợp tác phát triển văn hoá và du lịch, thay mặt đoàn Lâm Đồng, đồng chí Phạm S đã phát biểu chia sẻ tại diễn đàn và kiến nghị hợp tác văn hoá và du lịch xanh.
Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên, hiện có 539.403ha đất rừng, tỷ lệ che phủ đạt 55%, đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 Tây Nguyên; có 2 vườn quốc gia: Cát Tiên và Bidoup – Núi Bà; Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên khu vực Tây Nguyên. Tỉnh Lâm Đồng có tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá do tính đa dạng sinh học cao, núi rừng hoang sơ, khí hậu mát mẻ, ôn hoà, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tạo nên sự trù phú cho vùng đất Lâm Đồng, đặc biệt là tỉnh có mật độ dân số thấp; đây chính là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch xanh và bền vững.
Lâm Đồng còn là nơi hội tụ, sinh sống của 47 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc truyền thống với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc. Lâm Đồng hiện đang sở hữu 3 di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”; Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” và thành phố Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc và đang xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt trở thành thành phố Di sản của thế giới vào năm 2025. Toàn tỉnh có 37 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh; có 32 làng nghề (21 làng nghề truyền thống, có 14 làng nghề gắn với du lịch).
Đồng chí Phạm S phát biểu chia sẻ tại hội nghị |
Tỉnh Lâm Đồng luôn có nhiều giải pháp đột phá phát triển văn hoá và du lịch theo 3 nội dung lớn:
(1). Cải thiện môi trường đầu tư như phát triển các dự án hạ tầng giao thông: dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương; mở rộng cảng hàng không quốc tế Liên Khương; đang trình hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống vào năm 2045; tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng sẽ trở thành thủ phủ xanh của Việt Nam với 4 yếu tố phát triển chính: kinh tế xanh, thành phố xanh, môi trường xanh, năng lượng và công nghiệp xanh. Nâng cao chỉ số cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, triễn khai toàn diện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội và các chính sách thu hút FDI.
(2).Tập trung phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển mới; các ngành chức năng đang thẩm định hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi để mở trung tâm đào tạo tiếng Nhật tại Đà Lạt.
(3). Tiếp tục công tác truyền thông đa phương tiện để quảng bá tiềm năng về văn hoá và du lịch trong và người nước, tăng cường xúc tiến đầu tư và thương mại các quốc gia trong đó có Nhật Bản.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế so sánh và các giải pháp đột phá chính sách thu hút đầu tư, tỉnh Lâm Đồng mong muốn các tổ chức, các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác phát triển văn hoá và du lịch, mở đường bay trực tiếp đến Lâm Đồng để du khách Nhật Bản đến Lâm Đồng và Tây Nguyên thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản các dự án về văn hoá và du lịch xanh bền vững.