Kế hoạch số 1392 /KH – UBND được UBND tỉnh ban hành cách đây hơn hai năm nhằm triển khai “đồng bộ các giải pháp, thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2025”, và cho đến nay đã đạt kết quả dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên.
Mục tiêu mà kế hoạch tỉnh đề ra đó là: Phát triển hạ tầng các dịch vụ phù trợ cho thương mại điện tử (TMĐT). Theo đó có 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử. Kế đến về tương quan phát triển TMĐT trong tỉnh với 50% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.
Còn về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp với các mục tiêu cụ thể: 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động và 70% các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, viễn thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng. Cuối cùng, phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT tập trung vào doanh nghiệp, hộ kinh doanh, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên được đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu hàng năm rà soát và đề xuất, tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về TMĐT. Qua đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức chung và chính sách, pháp luật về TMĐT để nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMĐT thông qua các hoạt động truyền thông, mạng xã hội và các hình thức khác. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các diễn đàn về TMĐT để tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chuyên gia… về các vấn đề liên quan đến TMĐT. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về TMĐT cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về TMĐT như thanh tra, quản lý thị trường, công an, viện kiểm sát, tòa án mà trọng tâm tập trung vào kiến thức về TMĐT, nghiệp vụ quản lý nhà nước, giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến… Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp về TMĐT theo các chủ đề chuyên sâu; giới thiệu, tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website… Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT bao gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh các sản phẩm; giải pháp mô hình TMĐT mới; ứng dụng công nghệ tiên tiến; hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp công nghệ ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; khuyến khích hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong TMĐT.
Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng công nghệ dữ liệu lớn để gắn kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ; áp dụng các giải pháp công nghệ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; ứng dụng TMĐT trên nền thiết bị di động; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp e-marketing hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy TMĐT.
Đặc biệt, phát triển các nền tảng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm an toàn thông tin cho các hoạt động TMĐT; kêu gọi đầu tư vào hạ tầng kho vận, khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu đến chặng cuối; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên đối với toàn bộ các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, các thủ tục khác liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp…
Trong quá trình triển khai Kế hoạch 1392 của UBND tỉnh, mặc dù gặp phải đại dịch COVID-19 mà cao điểm dịch xảy ra liên tiếp trong hai năm 2021 và 2022, tuy nhiên, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng – đơn vị chủ trì thực hiện kế hoạch này đã phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan và các huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm nên đến nay đã đạt được những kết quả rõ rệt.
Sở Công thương cho biết, năm 2023, theo xếp hạng của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Lâm Đồng xếp hạng 13/58 tỉnh về chỉ số phát triển TMĐT và tăng 7 bậc so với năm 2022.
Trong các chỉ số thành phần, thì chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tuy có tăng điểm so với năm 2022 nhưng thứ hạng không thay đổi. Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) giảm điểm đáng kể, chỉ còn 10,3 điểm và tụt 25 bậc so với năm 2022. Thế nhưng chỉ số về giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) tăng 10,94 điểm, tăng 11 bậc và đứng thứ 12/58 tỉnh, thành phố được xếp hạng.
Được biết, với các chỉ số này, Lâm Đồng vẫn thuộc nhóm phát triển TMĐT ở mức trung bình của cả nước, song đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên.