Trong thời gian 2,5 ngày, từ ngày 6 đến ngày 8/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là hoạt động thường xuyên tại mỗi kỳ họp Quốc hội, nhưng tại Kỳ họp thứ 6 này, cử tri và Nhân dân đang chờ đón phiên chất vấn với sự hồi hộp, tin tưởng và kỳ vọng rất lớn lao. Bởi các phiên chất vấn lần này khác hẳn các lần chất vấn trước, thể hiện tinh thần luôn luôn đổi mới, luôn luôn vận động để theo kịp với tiến trình phát triển đất nước và sự mong mỏi của cử tri, Nhân dân.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ. Do đó, việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tại cuộc làm việc chiều tối 30/10 về rà soát các công việc chuẩn bị cho phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tuy không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ nhưng cần có cách thức tổ chức chất vấn phù hợp để bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở nên tiến hành chất vấn theo 4 nhóm lĩnh vực gồm: kinh tế tổng hợp – vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa – xã hội và tư pháp, nội chính, kiểm toán Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, đây chính là hình thức “giám sát sau giám sát”, một vấn đề luôn được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Bởi suy cho cùng, điều cử tri và Nhân dân cần chính là kết quả thực hiện. Nếu chỉ chất vấn mà không quay trở lại để đánh giá kết quả thực hiện, đặc biệt là hiện thực hóa các lời hứa thì các phiên chất vấn sẽ lại chỉ sôi động một vài ngày rồi lại lặng chìm xuống…
Chính cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã khẳng định rất rõ nét tinh thần đổi mới, hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội. Từ các kỳ họp tại Quốc hội khóa XIV và Quốc hội khóa XV, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân. Đó không chỉ vì phải thực hiện yêu cầu “hỏi nhanh, đáp gọn, rõ vấn đề” mà còn vì các phiên chất vấn luôn sôi động, hấp dẫn. Đại biểu Quốc hội không ngại ngần, né tránh, đề cập đến những vấn đề nóng được dư luận quan tâm, những bức xúc, vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống. Và đại biểu Quốc hội cũng không dễ dàng chấp nhận những câu trả lời chung chung mà đòi hỏi các bộ trưởng, trưởng ngành phải đề ra các giải pháp và hạn thời gian khắc phục. Không chỉ là thảo luận, nghị trường còn “nóng” lên bởi các cuộc tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau, thậm chí là cả giữa đại biểu Quốc hội với bộ trưởng, trưởng ngành để đi tới cùng gốc rễ, căn cơ của vấn đề, đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri. Tại kỳ họp này, với cách thức đổi mới rõ rệt, không chỉ là một bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính như trước mà tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành, cả Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ đều phải trả lời nếu liên quan tới trách nhiệm, phạm vi phụ trách. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung “soi” việc thực hiện các lời hứa, hay nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là “giám sát sau giám sát”. Như thế, các vấn đề dư luận quan tâm sẽ được xới xáo ở nhiều góc độ để buộc cuối cùng ra kết quả mới thôi. Do đó, dự báo các phiên chất vấn tại kỳ họp này sẽ luôn có “lửa”; sẽ sôi động và rất hấp dẫn.
Cùng tham dự cuộc họp tối 30/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoạt động chất vấn luôn được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm. Qua chất vấn phải khẳng định được những việc đã làm được, những việc còn hạn chế, cần rút kinh nghiệm và những việc phải tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo Thủ tướng, mục tiêu cao nhất của chất vấn và trả lời chất vấn là làm thế nào để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao, đặc biệt, như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh là, qua chất vấn phải cùng nhau tìm ra được những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, bám sát sự lãnh đạo của Đảng để cùng nhau hoàn thành trọng trách trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Với tinh thần đó, 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tới đây sẽ để lại dấu ấn đặc biệt trong hoạt động của Quốc hội, cũng là đáp ứng sự mong đợi của cử tri, Nhân dân; góp phần xây dựng Quốc hội luôn đổi mới, hiệu lực, hiệu quả, do dân và vì dân.