(LĐ online) – Vừa qua, một số đối tượng gây mất an ninh trật tự ở Đắk Lắk, nói theo cơ quan chức năng thì đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của chúng rất man rợ, mất nhân tính. Những đối tượng đó đã bị lực lượng chức năng bắt giữ và sẽ đưa ra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Lợi dụng sự việc này, các tổ chức cá nhân chống phá, thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đã vu cáo chính quyền, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đưa ra chiêu bài vu cáo “Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”, các đối tượng chống phá tiếp tục rêu rao rằng nguyên nhân của vụ việc là do “người dân tộc không khuất phục, không quy thuận người Kinh” hoặc “do căng thẳng sắc tộc, tôn giáo”…
Có đối tượng bị lực lượng chức năng bắt khai rằng họ được một người đang ở nước ngoài dụ dỗ kêu gọi: “Nếu không đứng lên sẽ bị nô lệ suốt đời”…! Lực lượng chức năng đã có tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra có sự hậu thuẫn chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam chỉ đạo tấn công khủng bố.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ. Vụ việc này đã được đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động nắm bắt, hiểu rõ bản chất vấn đề, không bị ảnh hưởng của những luận điệu xuyên tạc từ các đối tượng xấu.
Đáng chú ý là các đối tượng chống phá thường xuyên khai thác sự chênh lệch về mức sống cả vật chất và tinh thần giữa các vùng miền để khoét sâu những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi có thiên tai, địch họa để xuyên tạc rằng “Đảng, Nhà nước ta thiếu quan tâm”, “đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”.
Cũng phải nói đến việc lợi dụng một số yếu kém, sai phạm trong công tác quản lý, điều hành ở các địa phương, cơ sở, các đối tượng thừa cơ lu loa, quy kết chính sách dân tộc của Việt Nam thiếu bình đẳng, không công bằng. Cũng không loại trừ mưu đồ sâu xa là tạo cớ, kích động, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế nhằm “quốc tế hóa” vấn đề nội bộ để lật đổ chế độ.
Cần khẳng định rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã xác định chính sách dân tộc có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là một yếu tố mang tính quyết định, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sách dân tộc được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sửa đổi hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam là đoàn kết, bình đẳng, tương trợ để các dân tộc thiểu số tiến kịp trình độ chung của đất nước.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951) đã viết: “Các dân tộc Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để kháng chiến kiến quốc”. Ba nguyên tắc cơ bản “đoàn kết, bình đẳng, tương trợ” có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau hợp thành một thể thống nhất, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Có bình đẳng thì mới thực hiện được đoàn kết dân tộc; có đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển thì mới thực hiện được bình đẳng.
Tuy nhiên, tuyên bố quyền bình đẳng về mặt pháp lý và thực hiện quyền bình đẳng trên thực tế vẫn còn một khoảng cách bởi điều kiện và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các dân tộc không đồng đều. Vì vậy, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc bao hàm cả việc các dân tộc đa số, có trình độ phát triển cao hơn giúp đỡ các dân tộc thiểu số chậm phát triển và ngược lại.
Đương nhiên, sự giúp đỡ của Nhà nước có một vị trí đặc biệt quan trọng vì là sự đầu tư tập trung, tạo điều kiện về con người, phương tiện để các dân tộc tự vươn lên, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiến kịp trình độ chung của đất nước.
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 ghi rõ: “Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo… Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng kịp miền xuôi”.
Các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) đều long trọng tuyên bố quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Điều 5 Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng với phát triển đất nước”. Đây cũng là điểm mới quan trọng so với Hiến pháp 1992.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên có những chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, định hướng đối với công tác dân tộc. Có thể kể đến một số văn bản tiêu biểu: Đó là Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi. Đó là Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 12/3/2003 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX riêng về công tác dân tộc. Quốc hội ban hành các luật khung và luật chuyên ngành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền cũng như chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê sơ bộ từ 2010 đến 2022 Chính phủ đã ban hành hơn 100 văn bản chính sách; hơn 50 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi. Ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về chiến lược công tác dân tộc, tầm nhìn đến 2045, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm kiên trì và nhất quán thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc.
Ghi nhận những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc, Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30/10/2019 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW nêu rõ: Công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai mạnh mẽ, chuyển từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều, tập trung vào nhóm, hộ nghèo nhất. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của các nước đã giảm từ 9,88% cuối 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 1,4%/năm. Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngường được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”.
Dẫu còn nhiều vấn đề trăn trở trong việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những địa bàn miền núi khác nhau, nhưng sự phát triển của đất nước về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện và nâng cao, niềm tin của dân đối với sự lãnh đạo được củng cố… là minh chứng thuyết phục về sự đúng đắn và nhất quán trong những chủ trương chính sách của Đảng ta về công tác dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững.