Năm 2024, kinh tế huyện Bảo Lâm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra và dự ước tổng giá trị sản xuất (GO theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn huyện tăng 7,28% so với kế hoạch từ 7-7,5%. Đáng kể hơn, để góp phần vào mức tăng trưởng chung, cả ba khu vực kinh tế của huyện đều có mức tăng cao hơn kế hoạch.
Hiện Bảo Lâm có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc |
Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong năm 2024, huyện đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để ngành Nông nghiệp của huyện vươn lên trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp vượt kế hoạch đề ra.
Để thực hiện và duy trì tăng trưởng khu vực nông nghiệp, huyện đã triển khai kế hoạch gieo trồng trên địa bàn toàn huyện đạt tổng diện tích 57.348,47 ha, bằng 102,9% kế hoạch, bằng 100,8% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây hàng năm 2.095,77 ha, bằng 102,6% so với cùng kỳ, cây lâu năm 55.252,7 ha, bằng 100,75% so với cùng kỳ với các loại cây trồng chủ lực gồm cây cà phê 37.148,7 ha, cây chè 5.753,2 ha, cây ăn quả 6.480,85 ha. Hầu hết sản lượng, giá cả các loại cây trồng đều tăng so với năm trước. Bên cạnh đó, chăn nuôi được phát triển theo hướng trang trại tập trung quy mô công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo về môi trường. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả, tập trung vào các sản phẩm đặc sản của huyện và đã phát triển thêm 34 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, nâng số sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên đạt 64 sản phẩm tính đến cuối năm 2024. Ngoài ra, đến nay huyện có 20 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện (chè, cà phê, cây ăn quả, gia cầm…) hoạt động có hiệu quả, trong đó có 12 công ty, 7 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác. Đồng thời tiếp tục thực hiện công tác quản lý, giao khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng theo kế hoạch với diện tích giao khoán 69.722 ha cho 3.022 hộ và 2 tập thể nhận khoán và đã chi trả hơn 19 tỷ đồng. Khu vực nông nghiệp tăng 5,19% (kế hoạch 5%-5,5%).
Đáng kể, ngành Công nghiệp huyện tiếp tục tăng trưởng khá. Báo cáo của UBND huyện cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh) đạt gần 227,2 tỷ đồng, tăng 5,31% so với cùng kỳ và nếu tính theo giá hiện hành thì giá trị sản xuất công nghiệp khu vực cá thể đạt gần 422 tỷ đồng, tăng 10,49%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đạt hơn 417,3 tỷ đồng, tăng 10,46%, sản xuất và phân phối điện tăng 14,37%. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của huyện có tốc độ tăng trưởng khá như: sản xuất trà, cà phê, đồ gỗ các loại, cửa sắt, các sản phẩm khoáng phi kim loại, sửa chữa các loại máy phục vụ nông nghiệp, điện năng lượng mặt trời… Riêng Nhà máy Alumin khai thác ước đạt 4.225.000 tấn quặng khai thác, tăng 3,8% so với cùng kỳ, alumin quy đổi sản xuất ước đạt 724.800 tấn, tiêu thụ ước đạt 720.000 tấn.
Tương tự, tình hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ… hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện ước đạt 4.353 tỷ đồng, tăng 15,16% so với cùng kỳ bao gồm: Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.156 tỷ đồng, tăng 17,29%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 821 tỷ đồng, tăng 9,35%; doanh thu dịch vụ và du lịch đạt 376 tỷ đồng tăng 11,14% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu duy trì ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 300 triệu USD, đạt 113% kế hoạch, tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng xuất khẩu như alumin, hydroxit, sầu riêng, trà Ô long, trà xanh và trà đen các loại.
Cũng trong năm 2024, huyện đã tiến hành rà soát các điểm, khu du lịch và lưu trú; tình hình đầu tư, hoạt động các mô hình du lịch canh nông và các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện; tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao nổi bật, qua đó thu hút 35.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bố trí đủ phương tiện vận chuyển hàng hóa và phục vụ việc đi lại của Nhân dân nên trong năm tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 557 tỷ đồng, tăng 7,23%, trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 64,79 tỷ đồng, tăng 7,24%, còn doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 492,21 tỷ đồng, tăng 7,24%.
Đáng ghi nhận trong thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2024, Bảo Lâm là một trong số huyện sớm hoàn thành thu ngân sách và dự ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 1.108 tỷ đồng, đạt 104% dự toán giao, bằng 100% so với cùng kỳ. Trong đó phần tỉnh quản lý thu là 650 tỷ đồng, bằng 100% dự toán; phần huyện quản lý thu là 458,220 tỷ đồng, đạt 118% dự toán, bằng 115% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá, năm 2024, tổng giá trị sản xuất (GO theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tăng 7,28% so với kế hoạch từ 7-7,5%. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 5,19% so với kế hoạch từ 5%-5,5%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 7,06% so với kế hoạch từ 6,5%-7%) và khu vực dịch vụ tăng 12,18% so với kế hoạch đề ra từ 12%-12,5%.
Được biết, với mức tăng trưởng từ các khu vực của huyện trong năm 2024, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch với giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,48%, khu vực vực công nghiệp – xây dựng chiếm 52,25% và khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 17,27% trong nền kinh tế huyện.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202412/huong-toi-ky-niem-30-nam-ngay-thanh-lap-huyen-bao-lam-duy-tri-muc-tang-truong-vuot-ke-hoach-fc85922/