(LĐ online) – Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc thiểu số Lâm Đồng lần thứ 6, hội thi diễn tấu cồng chiêng và hát dân ca đã diễn ra rộn ràng sâu lắng.
Diễn tấu cồng chiêng |
Tham dự hội thi, hơn 300 nghệ nhân đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh đã trình diễn 12 tiết mục diễn tấu cồng chiêng và 12 tiết mục hát dân ca đặc sắc, đa dạng, phong phú.
Ở phần thi diễn tấu cồng chiêng, các đội thi đã mang đến các tiết mục diễn tấu đầy sôi nổi qua những bản hòa tấu: Mừng lúa mới, mừng chiến thắng, chào mừng quý khách, mừng lễ hội… mang lại nhiều cung bậc cảm xúc rộn ràng, vui tươi.
Hòa nhịp cùng cồng chiêng là vũ điệu xoang của các cô gái K’Ho, Mạ, vũ điệu Arya của các chàng trai cô gái Churu với bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển làm cho tiếng chiêng thêm mạnh mẽ, đồng vọng.
Phần thi hát dân ca là cuộc diễn xướng dân gian tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất, tình nghĩa, phong phục tập quán, cuộc sống chan hòa với thiên nhiên ở các buôn làng. Các nghệ nhân cao tuổi ngân nga từng câu nói, câu kể như lời tự tình kể chuyện mình, chuyện đời, chuyện người, chuyện núi rừng, sông suối, muông thú, đại ngàn tươi xanh. Các nghệ nhân trẻ tuổi cất tiếng hát thiết tha, lưu luyến trong các làn điệu giao duyên thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, yêu đời, yêu người, tình yêu đôi lứa đắm say.
Tất cả như lắng vào từng lời hát, giọng ngân qua các làn điệu yalyao, tầm pớt, qua từng câu hát nói, hát kể, hát giao duyên. Nhiều bài hát, nhiều làn điệu dân ca, dân nhạc tưởng chừng mai một đã được sưu tầm, luyện tập và làm sống lại tại hội thi, hòa cùng tiếng khèn bầu (M’puốt) vút cao, tiếng trống rộn ràng, tiếng cồng chiêng âm vang đã làm lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc qua từng tiết mục.
Đồng bào Mạ, K’Ho, Churu sống giữa đại ngàn, qua lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên đã sáng tạo nên những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc giàu bản sắc được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hội thi diễn tấu cồng chiêng và hát dân ca cho thấy sự đa sắc trong không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa Lâm Đồng; qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn quý của dân tộc mình.