(LĐ online) – Chiều 27/9, tại Bảo tàng Lâm Đồng, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng (KHCN) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” với sự tham dự của đại diện HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các sở, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo thực sự là dịp sinh hoạt học thuật sôi nổi của các chuyên gia, nhà khoa học dành tâm huyết, trách nhiệm với văn hóa dân tộc |
ThS. Võ Thị Hảo – Giám đốc Sở KHCN, ThS. Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở KHCN và ThS. Hoàng Ngọc Huy – Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng đã cùng chủ trì hội thảo.
Báo cáo đề dẫn hội thảo khẳng định: Lâm Đồng là nơi sinh sống lâu đời của 4 dân tộc gốc Tây Nguyên K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông và 43 dân tộc anh em từ mọi miền đất nước về đây lập nghiệp tạo nên miền đất đa sắc màu văn hóa. Sự phong phú, độc đáo trong phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật canh tác, văn hóa nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống của các dân tộc anh em hội tụ làm cho Lâm Đồng là vùng đất giàu bản sắc.
Lãnh đạo Sở KHCN và Bảo tàng Lâm Đồng chủ trì hội thảo |
Trong thời gian qua, Sở KHCN đã phối hợp cùng các cấp, các ngàng, các nhà khoa học tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Lâm Đồng. Kết quả các nghiên cứu đạt được đã trở thành một trong những nội lực quan trọng cho quảng bá du lịch địa phương. Trong đó, các nhiệm vụ KHCN đã tập trung nghiên cứu: bảo tồn các làng nghề truyền thống của dân tộc bản địa; bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, phục hồi và phát huy giá trị hoa văn trang trí của các dân tộc bản địa; ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ quản lý, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các hiện vật, di tích, bảo tàng…
Tham luận của đại diện Sở VHTTDL nêu rõ thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản |
Một kết quả đã đạt được như: Đề tài “Nghiên cứu thực trạng nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” cho thấy một số dân tộc bản địa Lâm Đồng đang duy trì những nghề thủ công gồm nghề dệt thổ cẩm, làm gốm, nhẫn bạc, rượu cần, nghề đan lát mây tre, nghề rèn. Từ đó đưa ra các kiến nghị để phát triển các nghề thủ công truyền thống; xây dựng cơ chế, chính sách giúp người dân tộc tổ chức các mô hình sản xuất thủ công phù hợp; đào tạo, bồi dưỡng chủ cơ sở sản xuất thủ công là người dân tộc; đầu tư dự án nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn bí quyết nhuộm sợi dệt thổ cẩm bằng lá cây; hỗ trợ thành lập cơ sở sản xuất nhẫn bạc; hình thành tổ hợp tác sản xuất kinh doanh thổ cẩm, xây dựng mô hình thôn buôn làm nghề dệt thổ cẩm, làm gốm, làm nhẫn bạc gắn với du lịch.
ThS. Nguyễn Xuân Dũng – Trưởng phòng Sưu tầm Quản lý hiện vật, Bảo tàng Lâm Đồng giới thiệu về sức hấp dẫn của giá trị lịch sử, văn hóa ẩn chứa trong Bảo tàng Lâm Đồng |
Nhiều kết quả đạt được từ các đề tài: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống văn hóa truyền thống Churu; Phát huy truyền thống Churu và xây dựng làng văn hóa – du lịch tại xã Pró – huyện Đơn Dương; Đánh giá kết quả việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và đề xuất xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới ở Lâm Đồng; Sưu tầm, bảo tồn và phát huy hoa văn trang trí các dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc hiện nay… Riêng đề tài “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên – Lâm Đồng” được triển khai đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ, phục dựng các công trình kiến trúc mà phần lớn là phế tích đã đổ nát bằng các phương pháp nghiên cứu so sánh, số hóa, phục dựng, phác họa mô hình 3D và đặt ra vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
TS. Phan Văn Bông – Trường Cao đẳng Đà Lạt nêu nhiều giải pháp thiết thực trong việc biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo |
Trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0, bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải nghiên cứu, nắm bắt công nghệ để phù hợp với sự phát triển; với lĩnh vực văn hóa, lịch sử vấn đề ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di sản đã được đặt ra. Việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa 3D và xây dựng di tích, bảo tàng ảo phục vụ cho người dân và du khách trong nước và trên toàn thế giới là cần thiết, cấp bách, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Ý kiến của đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng về phối hợp quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng |
Tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng Bộ Dư địa chí các dân tộc thiểu số trong tỉnh, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên. Trong đó dự kiến: Danh mục số hóa hệ thống di sản văn hóa; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, giao diệnTiếng Việt, nội dung phong phú, có tính tương tác, kết nối thuận tiện cho khai thác, sử dụng; định mã QR code thông tin đầy đủ, phản ánh được diện mạo cơ bản của di tích, số hóa hồ sơ khoa học, dữ liệu cho các hiện vật, ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo tái hiện sinh động di tích…
Nhiều ý kiến tham luận thể hiện tâm huyết trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với di sản văn hóa dân tộc |
Hội thảo đã nhận được 15 tham luận thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với di sản văn hóa dân tộc. Trong đó đã đặt ra nhiều vấn đề về bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử -văn hóa trong tỉnh với việc sử dụng kết hợp các phương pháp, cách tiếp cận trong việc khai thác các công nghệ hiện đại, thực tế ảo vào hỗ trợ quản lý, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các hiện vật, di tích, bảo tàng.
PGS. TS Nguyễn Văn Huân – Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên nêu giải pháp chuyển đồi số bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên |
Cụ thể có thể kể các tham luận: Thực trạng và giải pháp công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch); Kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng Lâm Đồng (ThS. Nguyễn Xuân Dũng – Trưởng phòng Sưu tầm Quản lý hiện vật, Bảo tàng Lâm Đồng); Giải pháp chuyển đồi số công tác lưu trữ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên (PGS. TS Nguyễn Văn Huân – Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên); Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại Lâm Đồng (ThS. Trần Quang Thiện – Viện Nghiên cứu hạt nhân); Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trong phát triển du lịch bền vững tại thành phố Đà Lạt (TS. Phan Văn Bông – Trường Cao đẳng Đà Lạt); Ứng dụng công nghệ số trong công tác phát huy di sản tư liệu thế giới Mộc bản Triều Nguyễn (ThS. Nguyễn Xuân Hùng – CN. Phạm Thị Yến, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV); Đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng (Võ Thị Hoàng Yến – Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng); Định hướng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, góc tiếp cần từ doanh nghiệp kinh doanh du lịch (ThS. Cao Thế Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng)…
Hội thảo thực sự là một dịp sinh hoạt học thuật sôi nổi, nhiều ý kiến hay của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý địa phương đã nêu lên những giải pháp thiết thực ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời biến di sản văn hóa dân tộc thành sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn với du khách.
Tham luận của Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng sát với thực tiễn |
Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành, các chuyên gia, trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh Lâm Đồng góp phần gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử -văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/hoi-thao-khoa-hoc-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-lich-su-e680c01/