(LĐ online) – Chiều 13/12, đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với một số xã của huyện Lạc Dương về công tác cán bộ nữ.
PGS.TS Lê Văn Chiến – Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi tại buổi làm việc |
Làm việc với Đảng ủy xã Đạ Nhim – địa phương có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cao, PGS.TS Lê Văn Chiến – Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (trưởng đoàn) đề nghị các đại biểu làm rõ một số nội dung như: Quá trình triển khai chủ trương, chính sách của tỉnh và huyện về công tác cán bộ nữ trên địa bàn xã nói chung và cán bộ nữ tham gia cấp ủy nói riêng; sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng trên địa bàn xã trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025 và công tác quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng cấp xã nhiệm kỳ 2025 – 2030; công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ nữ trên địa bàn xã; đánh giá công tác tạo nguồn và kết quả quy hoạch cấp ủy cấp xã nhiệm kỳ 2025 – 2030; vai trò của Hội LHPN trong việc nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại địa phương, trong việc giới thiệu cán bộ nữ tham gia cấp ủy; thực trạng, kết quả, thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng trên địa bàn…
Bí thư Đảng ủy xã Đạ Nhim Trịnh Xuân Tự báo cáo về công tác cán bộ nữ của xã |
Đạ Nhim là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương với trên 78% dân số là đồng bào DTTS. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ. Đảng bộ xã hiện có 129 đảng viên, trong đó có 55 đảng viên nữ, chiếm 42,6%; 6/11 Đảng ủy viên là nữ. Ở các chức danh quản lý, lãnh đạo như Đảng uỷ, HĐND, UBND xã, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể, các ngành… đều có cán bộ nữ tham gia.
Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim Kơ Să K’Kim trao đổi tại buổi làm việc |
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ xã có 4/15 đồng chí là nữ, 2/5 Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ xã là nữ. Về chức danh có 1 nữ là Phó Bí thư Đảng uỷ – Chủ tịch HĐND sau chuyển qua giữ chức danh Phó Bí thư Đảng uỷ – Chủ tịch UBND; 1 nữ là Chủ tịch Ủy ban MTTQ sau chuyển qua giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã.
Đại biểu xã Đạ Nhim đề xuất ý kiến tại buổi làm việc |
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban chấp hành Đảng bộ xã có 6/11 đồng chí là nữ; Ban Thường vụ có 2 nữ.
Công tác quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030: Ban Chấp hành Đảng bộ xã dự kiến giới thiệu 27 đồng chí, xác định cơ bản giữ vững cơ cấu tỷ lệ cán bộ nữ như nhiệm kỳ 2020 – 2025 (từ 30% trở lên), trong đó, giới thiệu 12 cán bộ nữ (tái cử 6 đồng chí và tham gia gia lần đầu 6 đồng chí) để giới thiệu ở các bước hội nghị và bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Xã Đạ Nhim cũng quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ nữ. Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025 đã tạo điều kiện để 5 đồng chí tham gia lớp Đại học; 7 đồng chí đi học Trung cấp chính trị; 2 đồng chí tham gia lớp Cao đẳng; 1 đồng chí đi học Cao cấp chính trị; giới thiệu cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử và đảm nhận các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND xã; đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện; đảm nhận chức danh trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể của xã.
Về vai trò của Hội LHPN trong việc nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại địa phương, Hội LHPN xã đã chủ động thực hiện tốt vai trò đại diện, tích cực đề xuất với cấp uỷ Đảng về công tác cán bộ nữ, nhất là trước các kỳ quy hoạch cán bộ, trước các đợt chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng và bầu đại biểu HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ xã; phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn cho các cấp ủy Đảng để đưa vào quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm.
Bên cạnh những kết quả trên, việc cán bộ nữ tham gia cấp ủy và công tác lãnh đạo quản lý trên địa bàn xã Đạ Nhim vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Một số cán bộ nữ còn hạn chế về năng lực thực tiễn, chưa mạnh dạn thể hiện mình; vai trò tham mưu còn hạn chế; còn một số công chức, viên chức vẫn còn tâm lý tự ti, thủ phận, chưa thể hiện được vai trò, ý thức phấn đấu vươn lên…
Nữ cán bộ xã Đạ Nhim chia sẻ về những khó khăn trong quá trình công tác |
Tại buổi làm việc, các đại biểu, đặc biệt là cán bộ nữ của xã đã chia sẻ với đoàn công tác về những khó khăn, hạn chế trong quá trình công tác, đặc biệt là khi tham gia công tác rất cần có sự chia sẻ của gia đình, nhất là từ người chồng để có thể hoàn thành tốt công việc cũng như vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có một số đề xuất như: quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; cần có những chính sách đào tạo cán bộ từ khi còn là học sinh cấp 3; đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo công bằng giới trong công tác cán bộ; có chế độ, chính sách cử tuyển đối với công tác cán bộ nữ…
Quang cảnh buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, PGS.TS Lê Văn Chiến – Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao sự quan tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã Đạ Nhim trong công tác cán bộ nữ. Đồng chí cho rằng đây là địa phương tiêu biểu để đoàn tiếp nhận các thông tin và chia sẻ với các địa phương khác trong quá trình nghiên cứu, khảo sát công tác phát triển cán bộ nữ.
Trên cơ sở nhận diện thực trạng sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy đảng, làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia cấp ủy của cán bộ nữ, đoàn có các đề xuất, kiến nghị chính sách cải thiện cơ hội tham gia cấp ủy đảng của cán bộ nữ tại các cấp, chuẩn bị cho nhân sự Đại hội Đảng các các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
- Cùng ngày, đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương về công tác cán bộ nữ.
Tham dự buổi làm việc có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Ánh Tuyết – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; đồng chí Vũ Quang Lâm – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Lâm Đồng; đồng chí Thân Xuân Quý – Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Lạc Dương.
Các đồng chí chủ trì buổi làm việc |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng uỷ ban hành các kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, ưu tiên quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ đưa vào quy hoạch giai đoạn sau đều cao hơn giai đoạn trước cả về học vấn, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, đảm bảo độ tuổi theo quy định.
Các thành viên trong đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia tham gia buổi làm việc |
Xã Đạ Sar là xã loại I được bố trí 21 cán bộ công chức. Đến nay, đã bố trí đầy đủ 21 chức danh; trong đó có 6 cán bộ, chiếm tỷ lệ 28,6%. Hiện có 4 người hoạt động bán chuyên trách; trong đó có 1 nữ, còn lại là bố trí kiêm nhiệm.
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, tổng số cán bộ, công chức được quy hoạch Ban chấp hành 20 đồng chí; trong đó có 7 đồng chí nữ (chiếm tỷ lệ 35%), Ủy viên Ban Thường vụ tổng số quy hoạch 9 đồng chí; trong đó có 3 đồng chí nữ (chiếm tỷ lệ 33%).
Đồng chí Trần Tuấn Anh – Bí thư Đảng uỷ xã Đạ Sar báo cáo với đoàn công tác |
Nhiệm kỳ 2025 – 2030, tổng số cán bộ, công chức được quy hoạch Ban chấp hành 15 đồng chí, nữ 5 đồng chí (chiếm tỷ lệ 33%), Ủy viên Ban Thường vụ tổng số quy hoạch 6 đồng chí, nữ 2 đồng chí (chiếm tỷ lệ 33%).
Đồng chí Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam gợi mở những khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải về công tác cán bộ nữ |
Từ năm 2015 đến nay, đã cử 9 cán bộ đào tạo đại học, trong đó có 3 nữ. Hiện có 4 đồng chí đào tạo trên đại học. Về cơ bản đội ngũ cán bộ công chức xã, đặc biệt là cán bộ nữ đều đạt chuẩn theo quy định về chuyên môn. Hiện có 3 đồng chí đào tạo cao cấp; 14 trung cấp trong đó nữ 5 đồng chí (chiếm tỷ lệ 36%).
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Sar phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Về công tác bố trí, sử dụng cán bộ nữ, nhiệm kỳ 2015-2020 số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 5/13, Ban Thường vụ 1/5. Nhiệm kỳ 2020 – 2025 số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 5/15 đồng chí (chiếm 33,3%), bằng nhiệm kỳ 2015 – 2020; không có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy. Cán bộ, công chức nữ giữ các chức danh lãnh đạo quản lý xã là 2/17 đồng chí (chiếm 35,2%). Tham gia đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 10/21 đồng chí (chiếm 47,6%).
Trong công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác Hội Phụ nữ, kịp thời kiện toàn Ban Chấp hành 1 đồng chí và Phó Chủ tịch Hội 3 đồng chí. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác Hội; từ năm 2016 đến nay đã mở 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội Phụ nữ cho 194 chị em.
Thành viên đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Sau khi nghe qua báo cáo, đồng chí Trần Tuấn Anh – Bí thư Đảng uỷ xã Đạ Sar đã nêu lên một số khó khăn, điểm nghẽn trong việc cơ cấu, quy hoạch cho cán bộ nữ như phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền về thực hiện công tác phụ nữ chưa có nhiều đổi mới; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên và các tầng lớp phụ nữ chưa kịp thời; chưa phát huy đầy đủ vai trò của phụ nữ và của tổ chức Hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ nữ chưa đồng bộ, một số vị trí, chức danh chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Năng lực tham mưu, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của một số cán bộ nữ còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số ít cán bộ nữ thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực vươn lên trong công tác. Bên cạnh đó, việc luân chuyển cán bộ nữ cũng gây ra không ít khó khăn trong việc bố trí công việc…
Đồng chí Đặng Thị Ánh Tuyết phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cán bộ nữ; vai trò chính quyền, sự phối hợp các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề.
Quang cảnh buổi làm việc |
Ngoài ra, công tác truyền thông, thay đổi nhận thức của người dân như thế nào về tư tưởng định kiến giới; những giải pháp trước mắt và lâu dài để tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy thời gian tới, chế độ chính sách phù hợp để tạo điều kiện tối đa cho cán bộ nữ tham gia cấp ủy. Đồng thời, đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện quyền tham chính của phụ nữ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Đặng Thị Ánh Tuyết – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của xã Đạ Sar đã đạt được trong công tác cán bộ nữ. Đồng thời khẳng định những thông tin tiếp nhận từ chuyến khảo sát sẽ giúp Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nắm bắt, cập nhật vấn đề thực tiễn kết hợp với lý luận làm cơ sở để xây dựng đề án khoa học, tham mưu xây dựng chính sách giúp Trung ương trong thời gian tới.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202412/hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-lam-viec-ve-cong-tac-can-bo-nu-ce63793/