Những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được ghi nhận ngày càng hiệu quả, đã và đang trở thành động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành phát triển toàn diện, bền vững trên địa bàn.
Sản xuất lan vũ nữ theo chuỗi liên kết thu nhập cao giữa nhà doanh nghiệp với nhà nông tại huyện Di Linh |
Thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng có 2.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong đó, mỗi năm với 101 doanh nghiệp, 569 hộ gia đình sản xuất gần 7 tỷ cây giống rau, hoa cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm; 52 cơ sở nuôi cấy mô sản xuất khoảng 72,3 triệu cây giống, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống sản xuất trong tỉnh và một phần cung ứng ngoài tỉnh cũng như gia công xuất khẩu. Riêng giống rau, hoa cao cấp đa phần nhập khẩu từ nước ngoài; các giống cây ăn quả mua về từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ. Toàn tỉnh còn có 5 nhà máy mỗi năm sản xuất 125.500 tấn phân bón, đáp ứng khoảng 9,5% nhu cầu sử dụng; phần còn lại do hơn 140 công ty sản xuất, nhập khẩu, cung cấp từ ngoài tỉnh khoảng 1.150 sản phẩm phân bón các loại thông qua 111 doanh nghiệp, đại lý cấp 1 và 1.486 hộ kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 75 doanh nghiệp áp dụng cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi bò, heo, gà, thủy sản, qua đó tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đáng kể có 278 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng triển khai các dự án đầu tư với tổng diện tích gần 50.277 ha, trong đó ghi nhận nhiều doanh nghiệp đóng góp phát triển kinh tế – xã hội địa phương như: Teracotta, SaCom Tuyền Lâm, Công ty TNHH Đà Lạt Sao (làng đất sét), Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (thác Đaltanla), Công ty Thành Thành Công (Thung lũng Tình yêu), Công ty Cổ phần Du lịch ĐamB’ri (thác Đam Bri Bảo Lộc).
“Ngoài ra có 8 công ty lâm nghiệp đều đang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sau thời gian thực hiện đề án, các doanh nghiệp đã khẳng định tốt vai trò, nhiệm vụ công ích trong quản lý, bảo vệ rừng; nhiều doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh, trồng rừng có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động…”, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng. Riêng chế biến lâm sản có 88 doanh nghiệp và khoảng 463 cơ sở hộ kinh doanh, sản xuất đồ gỗ và mộc gia dụng, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, thu hút việc làm cho 3.000 lao động, công suất từ 1.000 m3 – 20.000 m3 gỗ tròn/năm; gỗ nguyên liệu khoảng 41.600 m3/năm. Tỷ lệ gỗ nguyên liệu của tỉnh đáp ứng khoảng 50% hoạt động chế biến, còn lại tỷ lệ 50% nhập khẩu.
Đáng kể tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.950 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, tăng 201 doanh nghiệp, cơ sở so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó nâng tỷ lệ rau, quả qua sơ chế, chế biến đạt trên 73%, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm còn 8-10%.
Cụ thể, cây rau có 7 doanh nghiệp nước ngoài và 140 doanh nghiệp, cơ sở trong nước mỗi năm chế biến khoảng 53.745 tấn thành phẩm, tương đương gần 670.000 tấn nguyên liệu; 987 cơ sở thu gom sơ chế trên 1,6 triệu tấn nguyên liệu. Thị trường tiêu thụ trong nước với tỷ lệ 90%; còn lại tỷ lệ 10% xuất khẩu. Cây cà phê có 28 doanh nghiệp sơ chế, chế biến và trên 280 cơ sở với tổng công suất khoảng 300.000 – 320.000 tấn nhân, chiếm khoảng 80-90% tổng sản lượng, trong đó có 13 đơn vị xuất khẩu trực tiếp. Chế biến cà phê rang xay, cà phê bột với 175 doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tổng sản lượng nguyên liệu khoảng 10.326 tấn/năm. Cây chè chế biến có gần 120 doanh nghiệp với công suất 27.167 tấn/năm; 90 cơ sở với quy mô 17.437 tấn/năm, tập trung tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Lâm Hà. Cây mắc ca với 14 doanh nghiệp, hợp tác xã và 11 cơ sở, hộ kinh doanh đạt công suất 710 tấn/năm. Cây ăn quả có gần 100 cơ sở chế biến mỗi năm trên 14.887 tấn thành phẩm, chủ yếu nước cốt chanh dây, nước cốt trái cây, trái cây sấy, mứt, rượu…
Với tiêu chí “Doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể” phát triển ngành Nông nghiệp, năm 2024, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng “tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể nòng cốt trong phát triển liên kết chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nông nghiệp cả về số lượng và chất lượng; hỗ trợ nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, năng lực tổ chức hoạt động gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…”. Theo đó, toàn tỉnh đến năm 2024 phát triển thêm 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; nâng tổng số toàn tỉnh đạt 253 chuỗi với trên 33.000 hộ tham gia. Trong trồng trọt diện tích liên kết đạt 54.000 ha, sản lượng trên 570.000 tấn. Trong chăn nuôi tổng đàn đạt 1,1 triệu con, tổng sản phẩm trên 170.000 tấn. Thành lập mới ít nhất 20 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác, nâng tổng số lên 445 hợp tác xã, trong đó hơn 50% hợp tác xã hoạt động xếp loại khá, tốt…