Tươi trẻ, rạng ngời như những đóa hoa núi vừa nở từ lòng mẹ đất Lang Biang. Ấy là thông điệp của nhà thiết kế K’Jona (người K’Ho, ở TP Đà Lạt) gửi tới công chúng qua bộ sưu tập thời trang Hoa Lang Biang.
Nhà thiết kế K’Jona |
48 bộ trang phục, 48 sự đan kết mới – cũ, 48 câu chuyện sáng tạo trên nền chất liệu thổ cẩm Tây Nguyên, nhà thiết kế K’Jona một lần nữa khẳng định mạch chảy văn hóa cội nguồn cao nguyên vẫn luôn là vỉa sống ủ ấm mối liên kết thế hệ. Mạch nguồn ấy, vẫn len lỏi trong từng nhịp sống, ẩn – hiện nơi mỗi ý tưởng, đồng hành với mọi kiếm tìm cho những sáng tạo mới của anh. “Mỗi họa tiết, hoa văn, màu sắc trên những kiểu váy, áo truyền thống của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên là một biểu trưng văn hóa, phản ánh sinh động nhân sinh quan và thế giới quan của mỗi tộc người. Qua trang phục truyền thống của mỗi dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, người am tường văn hóa những cư dân bản địa sẽ dễ dàng nhận ra người mặc bộ phục trang đó thuộc dân tộc nào, địa bàn cư trú ở đâu, tập truyền văn hóa ra sao… Thổ cẩm chính là phương tiện giúp người bản địa Tây Nguyên thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cũng là nguồn trợ lực nội sinh cho tôi khai thác tối đa vẻ đẹp trong những họa tiết, hoa văn và màu sắc, đồng thời tạo ra sự thay đổi ở một số nội dung như phom, dáng, nét để phù hợp các giá trị mới của thời đại, nhất là giới trẻ ở đô thị”, nhà thiết kế K’Jona chia sẻ.
Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế K’Jona |
Mong muốn tăng sự hiểu biết và hứng thú của giới trẻ đô thị với thổ cẩm Tây Nguyên, anh tinh tế phủ lên chất liệu vải thổ cẩm một sắc diện mới bằng cách pha phối cùng những chất liệu khác như vải cotton, lưới, voan, ren, nỉ, nhung…, bên cạnh việc cách tân về phom, dáng với những đường cắt xẻ táo bạo, cá tính. Thể hiện cá tính trong những bộ trang phục nam giới tân tiến: phom dáng trẻ trung, đường nét mạnh mẽ, màu sắc tươi mới, nhà thiết kế K’Jona truyền đi thông điệp: thổ cẩm ngoài chức năng thể hiện bản sắc văn hóa nguồn cội, còn là một chất liệu thật sự linh hoạt cho nhà thiết kế ứng dụng trong đời sống thiết kế của mình. “Nếu ai đó vẫn nghi ngại vẻ ngoài nặng nề của thổ cẩm sẽ rất khó để xử lý, tạo điểm nhấn mềm mại ở những bộ trang phục có sự góp mặt của thổ cẩm, câu trả lời đã nằm trong bộ sưu tập Hoa Lang Biang. Chính ‘sắc thái’ rất riêng về họa tiết, độ nặng là những gợi mở cho nhiều phong cách thiết kế, gam màu, mẫu mã… mang đậm dấu ấn riêng biệt”, anh bộc bạch. Nhà thiết kế K’Jona sử dụng nền vải màu trắng, màu nâu nhạt (beige) làm chủ đạo, lấy họa tiết ở các loại hoa văn thổ cẩm tạo điểm nhấn như một chỉ dấu của vùng đất, con người Tây Nguyên. Bằng sự phối kết giữa truyền thống và hiện đại, anh đã mở lối cho trang phục thổ cẩm lan truyền tới giới trẻ, thuyết phục giới trẻ chọn thời trang thổ cẩm, tự tin thể hiện cá tính. “Tôi nghĩ đó cũng là một cách để góp phần quảng bá, đẩy mạnh thị trường cho thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên”, nhà thiết kế K’Jona nói.
Bộ sưu tập Hoa Lang Biang được anh chia thành 4 phần: thời trang nhí, thời trang công sở, thời trang dạ hội và thời trang phố. Chăm chút, tỉ mỉ từ khâu chọn lựa chất vải, thiết kế mẫu đến công đoạn đính kết phụ kiện, đan cài các bông hoa, nhà thiết kế K’Jona đã mang một luồng gió mới đến những bộ váy, áo tân thời, bay và sáng, bềnh bồng, linh hoạt. “Ẩn sau mỗi bộ trang phục là những câu chuyện văn hóa, văn hóa của người bản địa Tây Nguyên. Thông qua bộ sưu tập Hoa Lang Biang, tôi muốn quảng bá nét đẹp của thổ cẩm Tây Nguyên, muốn người trẻ yêu và hiểu hơn những giá trị truyền thống, để thấy rằng mạch chảy nguồn cội vẫn luôn tồn tại và phát triển cùng nhịp sống đương thời, để tự tin định danh chính mình trong thời đại giao thoa văn hóa rộng sâu hiện nay”, nhà thiết kế K’Jona quả quyết.