Cùng với nhà tù Hỏa Lò – “Khách sạn Hilton – Hà Nội” (nơi tiếp đón “những vị khách không mời” từ bên kia đại dương – các phi công Mỹ mang bom đánh phá miền Bắc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam), hồ Hữu Tiệp là một trong những di tích lịch sử độc đáo nhất tại Thủ đô. Nơi ghi dấu sự kiện chiến thắng của quân dân ta trong trận chiến 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Quang cảnh hồ và bia di tích trên hồ Hữu Tiệp |
Nằm ở làng hoa thuộc địa bàn phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội, hồ Hữu Tiệp là chứng tích lịch sử, niềm tự hào của quân dân ta đã hạ “uy danh” của “Không lực Huê Kỳ” khi đến xâm lược Việt Nam. Đây là bằng chứng không thể chối cãi việc ta “vít cổ” được “pháo đài bay bất khả chiến bại” mà chúng từng huênh hoang, xuống đáy hồ ở một làng hoa giữa Thủ đô Hà Nội. Đối với tôi, đây cũng là một sự may mắn khi có được cơ duyên với di tích này từ hơn 30 năm trước. Đó là vào dịp cuối năm 1989, khi ấy, tôi là một trong 4 sinh viên lớp Bảo tàng K6, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội được tiếp nhận thực tập tốt nghiệp tại Bảo tàng Quân khu Thủ đô. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp thu thập tư liệu để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích lịch sử đối với hồ Hữu Tiệp và xác máy bay B52 nằm trong lòng hồ nên cũng được biết khá nhiều câu chuyện thú vị về di tích này.
Ngược dòng lịch sử về với thời gian cuối năm 1972, đế quốc Mỹ vẫn quyết tâm thực hiện âm mưu thâm độc nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Để cứu nguy cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tạo thế mạnh cho Mỹ trên bàn đàm phán ở Paris, chúng đã cho máy bay leo thang ra bắn phá miền Bắc. Đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, chúng đã tổ chức một cuộc tập kích chiến lược đường không với quy mô quân sự lớn chưa từng thấy. Trong đó, lần đầu tiên quân đội Mỹ đã sử dụng loại máy bay tối tân nhất là B52 liên tục oanh tạc suốt 12 ngày đêm vào Thủ đô Hà Nội (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972). Nhưng với ý chí quyết tâm và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã đánh cho chúng tan tác, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Sau sự kiện này, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, cam kết rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Chỉ trong 12 ngày đêm ấy, riêng quân dân Thủ đô đã bắn hạ 25 chiếc máy bay B52 (phần lớn bị bắn rơi tại chỗ). Trong số đó có một chiếc B52 bị tên lửa của các chiến sĩ Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 (thuộc Đoàn Phòng không Hải Phòng nhận lệnh lên tăng cường cho Hà Nội) bắn trúng vào đêm 27/12/1972 trên bầu trời Hà Nội khi chưa kịp thả bom . Xác máy bay này bị vỡ tung rơi xuống khu vực làng hoa Ngọc Hà và khu vực đường Hoàng Hoa Thám. Trong đó, phần lớn thân xác máy bay B52 rơi xuống lòng hồ Hữu Tiệp. Khi hồ đầy nước, ta chỉ thấy được phần thân xác máy bay này có chiều dài nổi trên mặt nước dài khoảng 4 m, với bề rộng chừng 2 m và phần nhô cao nhất trên mặt nước chừng 1 m. Toàn bộ khối xác máy bay B52 rơi trong hồ gồm có một phần cánh, thân và đuôi, đầu động cơ và cả bánh lái. Đặc biệt khá thú vị là khi đứng ở góc bờ hồ phía Đông Nam còn thấy được một ngôi sao với nét sơn màu trắng nằm trong một vòng tròn đen trên thân máy bay, đó chính là phù hiệu nhận biết của “Không lực Huê Kỳ”. Qua trò chuyện với cô bạn gái Trần Thanh Tùng và cũng là đồng nghiệp đã nhiều năm công tác tại Ban Quản lý Di tích TP Hà Nội, chị cho biết thêm, trong quá trình làm cạn lòng hồ để tôn tạo, toàn bộ phần thân xác máy bay nổi trên mặt bùn dưới đáy hồ được xuất lộ rõ. Kết quả đo đạc cho thấy khối xác B52 có kích thước: dài 8 m, rộng 2,5 m, phần cao nhất khoảng 3 m. Trên thân máy bay phần ngửa lên còn dính cả 1 cặp bánh lái kép có đường kính 1, 26 m, đấy là chưa kể phần còn bị ngập sâu trong bùn. Ước tính toàn bộ khối xác máy bay B52 này có trọng lượng trên vài chục tấn.
Chị Tùng còn cho biết, trong các điểm di tích liên quan đến trận chiến “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” thì chỉ có mảnh xác máy bay B52 tại hồ Hữu Tiệp là điểm duy nhất còn giữ được nguyên hiện trạng ban đầu. Do đó, sau năm 1972, địa danh Ngọc Hà – hồ Hữu Tiệp trở nên nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Trong đó có nhiều bạn bè quốc tế tới để được tận mắt chiêm ngưỡng chiến công của quân và dân Hà Nội bắn hạ “pháo đài bay bất khả chiến bại” của giặc Mỹ rơi xuống hồ làng. Nơi lấy nước tưới tiêu cho vườn hoa tươi tốt của những người nông dân Việt Nam đang sống hiền lành, cần mẫn giữa làng mạc thanh bình. Hình ảnh đó cũng góp phần tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ khi mang quân đến xâm lược, gieo rắc chiến tranh trên đất nước Việt Nam giết hại những người dân vô tội. Di tích hồ Hữu Tiệp và mảnh xác máy bay B52 đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định công nhận Di tích lịch sử quốc gia ngày 22/4/1992. Di tích lịch sử quý giá này là minh chứng sống động cho chiến thắng và là niềm tự hào của quân dân Thủ đô chôn vùi “uy danh” của “Không lực Huê kỳ” khi tới xâm lược Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm tồn tại, di tích hồ Hữu Tiệp và mảnh xác máy bay rơi vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với nhiều đợt tôn tạo, bảo dưỡng, đặc biệt là với dự án tu bổ, tôn tạo được thực hiện năm 2021 nhân dịp kỷ niện 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (1972 – 2022). Di tích ngày càng khang trang đẹp đẽ hơn, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, nơi đây mỗi ngày có tới hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Nay có dịp về Thủ đô ghé thăm lại di tích, cùng người bạn cũ thuở sinh viên rảo bước trên con đường quen thuộc quanh hồ ôn kỷ niệm sau 30 năm có lẻ. Cảnh vật nơi đây đã đổi thay nhiều và đẹp hơn xưa. Quanh hồ, trước là vườn hoa, bây giờ đã nhường chỗ cho những dãy phố mới khang trang tươi màu ngói đỏ bên hàng cây xanh tỏa bóng mát. Nhìn đài bia di tích vươn cao lên trời xanh kiêu hãnh đang soi bóng giữa hồ, cạnh đó là mảnh xác máy bay B52 nằm phơi bụng như con quái vật đã bị thu phục; bất giác trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc bồi hồi khó tả nhớ về một thời kháng chiến hào hùng, cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhớ về Hà Nội năm xưa với hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà xinh tươi, đang thản nhiên tưới hoa bên cạnh xác máy bay B52 bị bắn rơi trong hồ nước trong tác phẩm nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo; cùng những vần thơ tràn đầy cảm xúc hùng tráng của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” khi nhắc tới sự kiện lịch sử rất đỗi tự hào này của người Hà Nội:
“Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi/ Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô/ Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/ Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”.
Nguồn: http://baolamdong.vn/du-lich/202410/ho-huu-tiep-noi-ghi-dau-chien-thang-lay-lung-cua-quan-dan-thu-do-trong-tran-chien-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-57429ad/