Trong quá trình “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn Lâm Đồng, bên cạnh xây dựng con người toàn diện, tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh còn được thể hiện rõ nét ngay trong văn hóa chính trị, kinh tế cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.
Trình diễn áo dài truyền thống – một nét đẹp văn hóa của Việt Nam |
Theo đó, những năm qua Lâm Đồng đã tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong toàn bộ hệ thống và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thực hiện các chuẩn mực văn hóa công sở luôn gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai xây dựng và phát triển văn hóa trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa, tập trung là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo động lực để phát triển kinh tế du lịch – lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Các địa phương thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với Lâm Đồng bao gồm tỉnh Champasak và tỉnh Bolykhamxay (Lào), tỉnh Đông Flanders (Bỉ), vùng Occitanie (Pháp), thành phố Guri (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), thành phố Chuncheon (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc).
Đặc biệt, quan tâm triển khai văn hóa trong Đảng, vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ; việc thực hiện quy định về Quy chế dân chủ ở cơ sở; củng cố tổ chức Đảng… nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước âm mưu, thủ đoạn, luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực hiện văn hóa ứng xử trong giao tiếp, trong các hoạt động du lịch, dịch vụ. Đầu tư nâng cấp, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao chất lượng phục vụ; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, dịch vụ; kiểm tra chống sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Song song đó, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa; đầu tư, tôn tạo nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phục dựng một số lễ hội truyền thống đặc sắc, nhất là tiếp tục phát huy các di sản được UNESCO công nhận; bảo tồn, phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tổ chức trao truyền văn hóa thông qua mở các lớp dạy cồng chiêng và các nghề truyền thống; tiến hành phục dựng hơn 10 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Lâm Đồng…
Lâm Đồng hiện có 92 câu lạc bộ cồng chiêng với hơn 2.000 thành viên tham gia sinh hoạt, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa thế giới, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.
Lâm Đồng cũng quan tâm xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa, đầu tư phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch; từng bước phát triển các ngành như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thời trang, âm nhạc… gắn với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung, của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tổ chức các sự kiện, giao lưu văn hóa, kết hợp yếu tố văn hóa trong các hoạt động chính trị, kinh tế, đặc biệt là các địa phương nước ngoài có mối quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao và nếu như năm 2014, kinh phí chi cho sự nghiệp văn hóa 42,6 tỷ đồng thì năm 2024 là 68,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển văn hoá, thể thao, du lịch; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao với tổng số vốn trên 1.117 tỷ đồng.
Chủ động xây dựng và triển khai chương trình hội nhập quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh. Các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng hiệu quả góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Đà Lạt – Lâm Đồng trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, đến nay Lâm Đồng đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 6 địa phương nước ngoài.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác đối ngoại văn hóa được thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, bám sát đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương. Lâm Đồng cũng ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của tỉnh; đảm bảo linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Mặt khác, tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác phát triển với các địa phương tại Cộng hòa Cuba, Venezuela, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ,… đạt được một số kết quả tích cực.
Nhằm giữ gìn mối quan hệ truyền thống lâu đời và tốt đẹp với nước láng giềng (Lào, Campuchia) và các nước trong khu vực, Lâm Đồng đã ký kết nhiều chương trình phối hợp công tác trên lĩnh vực của văn hóa; tạo điều kiện cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp cận với nền văn hóa các nước bạn; đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của tỉnh Lâm Đồng với bạn bè, du khách quốc tế. Tích cực quảng bá các danh lam, thắng cảnh của tỉnh Lâm Đồng tại nhiều trang tin điện tử, tạp chí, kênh truyền thông phổ biến và đạt nhiều giải thưởng trong đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, TP Đà Lạt, Lâm Đồng được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc, góp phần khẳng định vị thế là một thành phố có hoạt động âm nhạc phong phú, đa dạng và đặc sắc; là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa âm nhạc, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, du lịch và là cơ hội để quảng bá bản sắc văn hóa của Đà Lạt, Lâm Đồng đi ra thế giới.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/hieu-qua-hoat-dong-van-hoa-va-hoi-nhap-1c12ed8/