Sáng 18-12, UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”. Đây là một trong các chương trình thuộc khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024.
Hội thảo thu hút hơn 160 đại biểu đến từ Thái Lan, Singapore, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, hàng không…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết trong năm 2024, thành phố đón khoảng 7,9 triệu lượt khách, tăng 21% so với năm 2023. Cơ cấu ngành thương mại – du lịch – dịch vụ chiếm hơn 69% cơ cấu kinh tế toàn thành phố. Đà Lạt là thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam, 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” vào năm 2020 và 2022, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực âm nhạc vào ngày 31-10-2023.
Theo ông Đặng Quang Tú, dưới các góc nhìn đa chiều, hướng tiếp cận đa ngành, các tư liệu, luận cứ khoa học được thảo luận, hội thảo sẽ phân tích, đề xuất các giải pháp xây dựng Đà Lạt trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua phát triển du lịch, dịch vụ kết hợp hài hòa với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Jackie Ong – Giảng viên cấp cao ngành quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định ngành văn hóa càng lúc càng có vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Tiến sĩ Ong nêu ví dụ về 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan thành công trong phát triển du lịch xanh gắn với văn hóa truyền thống kết hợp yếu tố hiện đại. Nếu như Singapore là hình mẫu của sự hiện đại và công nghệ, Thái Lan lại tỏa sáng với nét truyền thống hòa cùng nhịp sống mới; Malaysia tận dụng đa dạng văn hóa và thiên nhiên, kết nối cộng đồng quốc tế thông qua các sự kiện lớn mang tầm quốc tế.
“Ba quốc gia, ba chiến lược khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là phát triển bền vững và quảng bá bản sắc văn hóa” – TS Jackie Ong chia sẻ.
Tiến sĩ Mai Minh Nhật, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, cho rằng nhờ công nghiệp văn hóa mà giá trị và hình ảnh về nét đẹp của địa phương và con người được lan tỏa, mang đến nguồn lợi và qua đó di sản văn hóa cũng trở thành động lực.
Theo vị tiến sĩ này, so với các đô thị khác, Đà Lạt còn non trẻ với 130 năm phát triển nhưng nhờ điều kiện khí hậu tự nhiên và các yếu tố lịch sử mà nơi này có nhiều di sản quý giá, độc đáo. Hiện nay Đà Lạt nổi bật nhất với nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, âm nhạc, kiến trúc – sẽ là những điểm nhấn của di sản văn hóa.
“Đây là kho báu quý giá mà chúng ta cần chung tay giữ gìn, phát triển du lịch và nâng cao đời sống của người dân, đồng thời định vị tên tuổi của du lịch Đà Lạt trên bản đồ du lịch thế giới” – TS Minh Nhật gợi ý.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Đỗ Quốc Thông, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, nhận định sau hơn 30 năm phát triển du lịch kết hợp với đô thị hóa và di dân cũng phần nào đó làm thay đổi cảnh quan, diện mạo của Đà Lạt. Hội thảo này sẽ có sự đánh giá về hiện trạng phát triển du lịch của thành phố theo hướng tích cực hơn, bởi vì nếu phát triển mà không có định hướng và nguyên tắc sẽ có những ảnh hưởng, gây khó khăn cho việc quản lý.
Để phát triển du lịch, ông Thông cho rằng cần phải liên kết với nhiều địa phương khác để cùng tăng trưởng phát triển du lịch như TP HCM – Phan Thiết – Đà Lạt, TP HCM – Nha Trang – Đà Lạt… để một tuyến du lịch đi qua nhiều điểm có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng và hấp dẫn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM nhận thấy Đà Lạt hiện nay có lượng khách du lịch quốc tế khá nhiều, do đó nên chăng ngay từ bây giờ cần phân khúc thị trường du lịch. Đó là tạo nên sản phẩm cao cấp cho khách du lịch nội địa, sản phẩm cho du khách Đông Nam Á, khách du lịch Đông Bắc Á, Châu Âu, Châu Mỹ… để tạo nên sự phát triển bền vững.
“Với lợi thế và dư địa còn rất nhiều của Đà Lạt, thành phố cần tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng cao, thường xuyên tổ chức sự kiện mang tầm khu vực để thu hút du khách. Làm sao để Đà Lạt không còn “tính mùa” – là mùa đông khách và mùa vắng khách – mà lúc nào cũng đầy khách” – ông Thông góp ý.
Một vấn đề quan trọng nữa mà ông Thông nhắc đến là hạ tầng giao thông kết nối của Đà Lạt với các khu vực xung quanh, trong đó có thị trường khách quan trọng đưa khách lên Đà Lạt là TP HCM.
Hai địa phương cách nhau hơn 300 km nhưng đi đường bộ mất 6-8 giờ, khách gần như mất một ngày đi – một ngày về nên thời gian lưu trú ở Đà Lạt còn rất ngắn. “Tôi mong sao các dự án đường cao tốc nối liền Đà Lạt về TP HCM và Đông Nam Bộ được hình thành sẽ thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt” – ông Thông nói.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM cũng mong muốn Đà Lạt phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được di sản quý là hàng ngàn ngôi biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp – là di sản rất quý mà chỉ riêng Đà Lạt mới có.