Sau Quyết định số 2386/QĐ-UBND ngày 4/12/2023, về việc chấm dứt hiệu lực thi hành đối với Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Ban hành kèm theo Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng), ngành Du lịch Lâm Đồng khuyến nghị các đơn vị hoạt động du lịch canh nông thực hiện theo Luật Du lịch và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025… Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có mô hình du lịch canh nông hay du lịch nông nghiệp nào được công nhận tại Lâm Đồng…
Avocado Farm – điểm du lịch nông thôn đầu tiên được công nhận dựa trên cơ sở hạ tầng phi nông nghiệp sẵn có của các hộ gia đình |
• DU LỊCH CANH NÔNG “TÊ LIỆT”
Do Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định liên quan đến loại hình du lịch canh nông. Đồng thời, việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích (trong đó có thương mại dịch vụ, du lịch canh nông) đã được bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển và kinh doanh loại hình du lịch canh nông trong thời gian tới theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn để hướng dẫn việc đầu tư và kinh doanh đúng quy định của pháp luật; đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận Điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Từ đó (tháng 12/2023 – khi Quyết định 2386/QĐ-UBND được ban hành) đến nay, là hơn 8 tháng, Lâm Đồng chưa có điểm du lịch canh nông hay du lịch nông nghiệp nào được công nhận. Bên cạnh đó, khi Lâm Đồng tổ chức thực hiện thí điểm du lịch canh nông, ngoài Quy chế tạm thời do UBND tỉnh ban hành, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến hoạt động du lịch canh nông khiến động lực phát triển du lịch canh nông càng trở nên khó khăn.
Theo ông Tưởng Hữu Lộc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt: Sau khi Quyết định 2386 được ban hành thì các công trình du lịch canh nông đều trở thành các công trình vi phạm. Trong khi các cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư mô hình du lịch canh nông rất tha thiết được giữ mô hình để hoạt động; thì không có một tiêu chuẩn nào gọi là cố định hay có thể làm cơ sở cho hoạt động du lịch canh nông cả, làm cho hoạt động du lịch canh nông ở Lâm Đồng hầu như tê liệt…
Hoạt động du lịch nông nghiệp cho phép du khách có những trải nghiệm đời sống sản xuất của người nông dân |
• CƠ SỞ PHÁP LÝ NÀO CHO HOẠT ĐỘNG DU LỊCH NÔNG NGHIỆP?
Theo Quyết định 922, thuật ngữ “du lịch nông nghiệp” dường như được sử dụng ẩn trong thuật ngữ “du lịch nông thôn”, ở phần giải pháp, cho phép: “Tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân và cộng đồng khai thác và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… phục vụ cho hoạt động du lịch nông thôn…”. Nhưng thực chất, trong du lịch nông thôn có hoạt động du lịch nông nghiệp, nhưng du lịch nông nghiệp không nhất thiết chỉ có ở nông thôn…
Bên cạnh đó, Luật Du lịch xác định tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Luật Du lịch cũng nhắc đến khái niệm của một số loại hình du lịch, như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nhưng không đề cập đến khái niệm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn hay du lịch canh nông.
Còn Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, ban hành ngày 31/12/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (đến nay chưa có văn bản nào thay thế) dành hẳn Chương IV quy định về Điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch. Nghị định 168 quy định với riêng điểm du lịch (là quy định có điều kiện công nhận ít tiêu chí nhất), là: Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch (bao gồm: Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; Có điện, nước sạch; Có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; Có dịch vụ ăn uống, mua sắm).
Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường (bao gồm: Có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày; Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch; Có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm; Có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường; Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật). Tuy nhiên, tất cả những quy định trên chưa có hướng dẫn cho thấy có giải pháp giải quyết vướng mắc cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Luật Đất đai 2024 được Quốc hội phê chuẩn ngày 18/1/2024, có những điều quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đa mục đích trên đất nông nghiệp. Theo đó: Điều 149 về Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với tài sản là công trình xây dựng không phải là nhà ở, quy định phải có: Giấy phép xây dựng công trình hoặc giấy phép xây dựng công trình có thời hạn đối với trường hợp phải xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng… Điều 178 về Đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng, quy định: Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Điều 218 của Luật này; được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Điều 218 về Sử dụng đất kết hợp đa mục đích, cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu…, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu: Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 của Luật này; Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính…
Nguồn: http://baolamdong.vn/du-lich/202409/go-vuong-cho-du-lich-nong-nghiep-bai-2-3bd2a46/