Nằm trên cao nguyên trung phần, Lâm Đồng thuộc khu vực Nam Tây Nguyên ở độ cao chênh lệch từ 300 – 1.500m so với mặt nước biển, với độ cao này, Lâm Đồng có nền nhiệt độ lý tưởng từ 18-25oC và được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới đặc biệt thuận lợi cho phát triển rau, hoa. Với diện tích trên 9 ngàn 773 km2, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 10 huyện; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống.
Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa – tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai – tỉnh Bình Phước. Lâm Đồng còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây là bước đệm để Lâm Đồng phát triển thế mạnh, khơi dậy tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có được.
Hệ thống giao thông thuận lợi
Giao thông đường bộ: Lâm Đồng có hệ thống giao thông phát triển gồm các quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 55 nối Lâm Đồng với các thành phố như: Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Nha Trang, Gia Nghĩa, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột, Phan Rang Tháp Chàm, Cam Ranh và các cụm cảng Thị Vải, Cái Mép, Cam Ranh, Vĩnh Tân (Bình Thuận). Và có các tỉnh lộ: 721, 722, 724, 725 nối liền Lâm Đồng với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Giao thông hàng không: Có Sân bay quốc tế Liên Khương cách thành phố Đà Lạt 30 km về hướng Nam với các chuyến bay nội địa mỗi ngày tới thủ đô Hà Nội, Tp. Hải Phòng, Tp.Vinh, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Phú Quốc; các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và ngược lại. Ngoài ra, còn khai thác các đường bay quốc tế đến Vũ Hán – Trung Quốc; Bangkok – Thái Lan; Seoul – Hàn Quốc; Kualalampua – Malaisia và ngược lại.
KHẲNG ĐỊNH LÀ TỈNH DẪN ĐẦU KHU VỰC TÂY NGUYÊN VỚI CÁC NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Tiềm năng phát triển du lịch
Sau gần 130 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Lạt – Lâm Đồng trở thành một trong những thành phố đáng sống và là địa điểm du lịch hấp dẫn nhất trong cả nước, xứng đáng với tên gọi “Đà Lạt – viên ngọc trên cao nguyên”; đã ghi dấu ấn trong du khách mọi miền bởi vẻ đẹp kỳ ảo, mê hoặc với những mùa sương giăng và hàng ngàn loài hoa khoe sắc quanh năm. Bởi vậy Đà Lạt được Thủ tướng công nhận là thành phố Festival hoa. Không chỉ có hoa, Đà Lạt còn có một “di sản thiên nhiên” bao gồm những rừng thông, hàng chục thác nước, hồ lớn có sinh cảnh đẹp và hàng ngàn dinh thự, biệt điện cổ nổi tiếng. Cùng với đó là các làng hoa truyền thống, các mô hình du lịch canh nông và 35 khu điểm du lịch, 60 điểm tham quan miễn phí, 3 sân golf và Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm với trên 3.000 ha với địa hình và sinh cảnh ấn tượng. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch của Tỉnh Lâm Đồng cũng được đầu tư theo hướng chất lượng cao, với trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch với trên 29.400 phòng; trong đó, có 40 khách sạn cao cấp từ 3 – 5 sao với trên 3.900 phòng. Toàn tỉnh Lâm Đồng cũng có 51 đơn vị kinh doanh lữ hành – vận chuyển du lịch nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, các loại hình văn hóa phi vật thể như không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Langbiang và các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.
Với những tiềm năng lợi thế đó, nhiều loại hình du lịch của tỉnh đã được xây dựng và phát triển như: du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch khám phá văn hóa lịch sử, du lịch trải nghiệm như những làn gió mới tạo thu hút một lượng lớn khách du lịch hàng năm đến với Đà Lạt – Lâm Đồng.
Về giáo dục đào tạo: Lâm Đồng có 4 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp và trên 60 cơ sở đào tạo nghề cùng với 3 viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu sinh học, Viện Pasteur và Viện nghiên cứu hạt nhân.
Tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp
Lâm Đồng là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. Đến hết năm 2020 NNCNC của Lâm Đồng đạt 60.288 ha, chiếm 20,1% diện tích canh tác; giá trị ước đạt trên 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; giá trị sản xuất bình quân đơn vị diện tích canh tác CNC đạt 400 triệu đồng/ha, nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt hiệu quả cao với doanh thu đạt trên 03 tỷ đồng/ha/năm. Nhờ vậy, nông sản Lâm Đồng với Thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kì diệu từ đất lành” đã trở nên nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.
Vùng chuyên canh rau trên 70.000 ha, đạt sản lượng 2,57 triệu tấn. Vùng chuyên canh hoa trên 9.300 ha, sản lượng thu hoạch trên 3,65 tỷ cành; Vùng chè trên 12.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 174.000 tấn. Vùng chuyên canh cà phê trên 174.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 516.000 tấn/năm, trong đó có trên 17.000ha cà phê Arabica, sản lượng trên 50.000 tấn được tập đoàn Starbucks tại Mỹ đưa vào hệ thống phân phối trên toàn cầu. Lâm Đồng hiện đang nuôi cá nước lạnh đặc hữu như cá tầm, cá hồi sản lượng 1.400 tấn/năm
Về Lâm nghiệp, Lâm Đồng có trên 597.000 ha rừng đa dạng sinh học đã hình thành 2 vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà với diện tích trên 700 km2 và Vườn Quốc gia Cát Tiên với diện tích gần 273 km2 để phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch.
Tiềm năng phát triển công nghiệp: Toàn tỉnh có 02 khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội và 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 352 ha; trong đó có 06 cụm công nghiệp đã đã triển khai hiệu quả. Tại 2 khu công nghiệp đã thu hút 81 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4.600 tỷ đồng và gần 103 triệu USD. Tại các cụm công nghiệp đã thu hút được 31 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.000 tỷ đồng và gần 20 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn 80%, Phú Hội 100%, các cụm công nghiệp gần 53%. Để nâng cao giá trị nông sản thì việc phát triển công nghiệp chế biến được Lâm Đồng xác định là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp; đã hình thành các trung tâm bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Đến nay, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt 75%, ngành công nghiệp chế biến nông sản chiếm khoảng 47% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm 35% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Thành tựu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020
Qua 5 năm, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt nhiều thành tựu quan trọng đó là: kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khá cao, bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 8,0%. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 5,0%, khu vực công nghiệp xây dựng tăng 7,6%, khu vực dịch vụ tăng 11,2%.
Quy mô GRDP tăng 1,6 lần; năng suất lao động tăng rõ nét, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71,2 triệu đồng năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 33,1% năm 2015 lên 40,4% năm 2020; nông, lâm, thủy sản giảm từ 49,4% năm 2015 xuống còn 40,3% năm 2020; công nghiệp – xây dựng tăng từ 17,5% năm 2015 lên 19,3% năm 2020
Mục tiêu và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025: Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đặt ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao. Phát triển công nghiệp có chọn lọc. Phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao của tỉnh làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cổng TTĐT tỉnh