Giá cà phê hôm nay 14/1/2025
Giá cà phê thế giới tiếp tục diễn biến trái chiều phiên đầu tuần, robusta tiếp tục giảm, trong khi arabica vẫn tăng. Giá cà phê arabica tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần và robusta giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần.
Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần, sau khi đã mất 1.500 đồng/kg trong tuần trước. Cà phê nội địa hiện đang giao dịch trong khoảng 117.200 – 117.700 đồng/kg.
Đồng USD giảm nhẹ đã hỗ trợ cà phê trên sàn New York tăng, trong khi lượng hàng vụ mới từ Việt Nam tiếp tục gây sức ép lên sàn London. Hiện tại, thị trường vẫn đang theo dõi chặt chẽ nguồn cung hàng vụ mới từ Việt Nam. Thời tiết đã thuận lợi hơn cho các hoạt động thu hoạch. Nguồn cung đang tăng mạnh trước Tết Nguyên đán.
Hơn 70% diện tích đã thu hoạch xong và sẽ đạt khoảng 90% diện tích trước Tết Nguyên đán. So với thông thường nhiều năm thì năm nay, vụ thu hoạch muộn hơn khá nhiều. Có nhiều nguyên nhân, thời tiết bất thường khiến mùa mưa kết thúc muộn, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là cơn bão số 10 trên Biển Đông vào cuối tháng 12/2024 gây mưa diện rộng ở Tây nguyên. Tiếp đó là người dân Tây nguyên tái canh một số giống mới, những giống này cũng chín muộn hơn.
Lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam đang cải thiện đáng kể theo từng tháng. Điều này có thể tạm thời ngăn giá cà phê tăng vọt trong quý đầu tiên của năm 2025, trước khi các chính sách thuế và thương mại mới dưới thời Tổng thống Trump có khả năng được áp dụng.
Đồng USD hạ nhiệt sau bản báo cáo việc làm của Mỹ bùng nổ vào cuối tuần trước đã nhấn mạnh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, đồng thời làm gia tăng nghi ngờ về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Về sản lượng hàng Việt, các dự báo ban đầu ước tính mức sụt giảm từ 10 – 15%, nhưng đến thời điểm này có thể lạc quan sản lượng chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Mặc dù vậy, các thương nhân cũng cho biết, lượng hàng từ vụ mùa 2024-2025 vẫn hạn chế và hoạt động giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Năm mới vẫn chậm chạp.
Trong khi đó, điều kiện thời tiết khô hạn ở Brazil đang hỗ trợ đà tăng của giá cà phê arabica, sau khi Cơ quan Khí tượng Somar Meteorologia báo cáo rằng khu vực trồng cà phê arabica lớn nhất của Brazil là Minas Gerais, chỉ nhận được 29,6 mm mưa trong tuần trước, tương đương 31% mức trung bình lịch sử.
Các nhà giao dịch cho biết, trọng tâm chính của thị trường vẫn là quy mô vụ mùa sắp tới ở Brazil, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại do hạn hán gây ra vào năm ngoái. Đồng thời cho biết thêm rằng việc gia tăng lượng tồn kho trên sàn giao dịch có thể góp phần kiềm chế giá cả.
Giá cà phê trong nước phiên đầu tuần (13/1) giảm 600 – 1.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 13/1, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tiếp tục giảm 64 USD, giao dịch tại 4.902 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 giảm 53 USD giao dịch tại 4.826 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 2,10 Cent, giao dịch tại 325,95 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 tăng 2,10 Cent, giao dịch tại 321,90 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá cà phê trong nước phiên đầu tuần (13/1) giảm 600 – 1.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Theo các báo cáo từ Bộ Công Thương, cà phê là một trong những ngành quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 1,6 triệu tấn cà phê, chủ yếu là robusta, được ưa chuộng tại các thị trường như châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á. Tuy nhiên, cà phê arabica cũng đang bắt đầu gia tăng sản lượng và chất lượng.
Cà phê Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng hạt thô, chiếm khoảng 95% tổng lượng xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Đức, Mỹ, Italy, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Các sản phẩm cà phê Việt Nam đang ngày càng được chú trọng trong các thị trường quốc tế, nhất là khi xu hướng tiêu dùng cà phê đặc sản và cà phê chế biến sẵn tăng trưởng mạnh.
Thị trường nội địa cũng đang ngày càng được quan tâm, cà phê là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt, với nhu cầu tiêu thụ cà phê trong nước cũng đang gia tăng. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có lượng tiêu thụ cà phê cao. Cà phê hòa tan cũng đang ngày càng phổ biến, với các thương hiệu nổi tiếng như Trung Nguyên, Vinacafé, và Nestlé đang chiếm ưu thế trong phân khúc này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới trong ngành, chất lượng cà phê trong nước còn chưa đồng đều và thiếu sự đầu tư vào công nghệ chế biến và chế tạo hàng chất lượng cao. Trong khi cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất hàng đầu khác như Brazil, Indonesia và Colombia ngày càng gay gắt. Biến đổi khí hậu và tác động của thiên tai làm ảnh hưởng đến không chỉ sản lượng mà cả chất lượng cà phê.
Hiện tại, tăng trưởng nhu cầu về cà phê đặc sản và cà phê chế biến sẵn, mở ra cơ hội cho việc phát triển các sản phẩm cà phê cao cấp; Tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị cà phê, bao gồm chế biến, đóng gói và tiêu thụ; Chính sách hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức quốc tế trong việc phát triển ngành cà phê.
Ngành cà phê Việt Nam đang hướng tới việc phát triển bền vững, với việc cải thiện chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và phát triển giống cà phê mới, và nâng cao khả năng chế biến sản phẩm cà phê cao cấp. Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và nhu cầu cà phê đặc sản đang mở ra cơ hội lớn cho ngành cà phê Việt Nam.
Ngành cà phê Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, cần phải chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế. Bộ Công Thương và các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành cà phê phát triển bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.