Những ngày qua, trong muôn màu âm sắc ca múa nhạc, những tích trò diễn xướng dân gian của cư dân miền đất văn minh sông Hằng ở Ấn Độ xa xôi, Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng) đã vượt chặng đường dài góp một âm điệu độc đáo, riêng biệt.
Chương trình biểu diễn của đoàn tại lễ hội được đón nhận nồng nhiệt |
Lần đầu tiên, các nghệ nhân, nghệ sĩ Lâm Đồng vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Lễ hội dân gian quốc tế Chilika Shelduck – Ấn Độ theo lời mời của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Bảo tàng Nghệ thuật bộ lạc Purbasha Barkul, quận Khurda, bang Odisha nô nức trong sự tụ hội của các đoàn nghệ thuật dân gian, các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp đất nước Ấn Độ cùng sự góp mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản làm nên những cung bậc xúc cảm đẹp trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội.
Trong không gian đẫm sắc màu văn hóa, với niềm tự hào văn hóa dân tộc mình, các nghệ sĩ của Lâm Đồng đã mang đến một chương trình biểu diễn đậm đà bản sắc qua 6 tiết mục: Đêm đại ngàn (hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Titlaura (hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Diễn xướng cồng chiêng, Suối vọng (hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Oh Mi (song ca trên nền hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Chali Chali Ga (dân ca Ấn Độ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc).
Chụp hình lưu niệm cùng các nghệ sĩ Ấn Độ |
Bên cạnh việc giới thiệu Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, đoàn đã trình diễn các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ là những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa, gỗ, quả bầu khô và các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng: T’rưng, Đinh Năm, Đinh Pút, trống da trâu, khèn bầu… Những âm cao, âm trầm của các loại nhạc cụ hòa vào nhau như tiếng mưa, tiếng gió rít, tiếng suối nguồn róc rách, tiếng thác đổ ầm ào, tiếng chim muông ríu rít gọi bạn. Những điệu nhạc lúc thong dong, khi dồn dập giục giã, lúc tươi vui, rạo rực, lúc trầm hùng, vút cao, cuộn trào đã làm nức lòng khán giả nước bạn. Âm nhạc vốn có ngôn ngữ riêng, có những điều không cần phải nói, tự âm nhạc đã nói hết câu chuyện của nó.
Riêng tiết mục Chali Chali Ga (dân ca Ấn Độ), trên chính những nhạc cụ dân tộc mình, đoàn đã chuyển soạn biểu diễn hòa tấu với một số nốt nhích lên nửa cung bậc, những âm sắc mang đậm bản sắc của nền âm nhạc Ấn đã làm nức lòng nhân dân Ấn Độ. Với tinh thần giao lưu văn hóa, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên đã kết hợp tinh tế giữa âm nhạc truyền thống Ấn Độ với nhạc cụ các dân tộc Nam Tây Nguyên. Qua đó cho thấy, các nhạc cụ bộ gõ chế tác từ chất liệu tre, nứa của người K’Ho, Mạ, Churu nhìn có vẻ thô sơ, mộc mạc nhưng có thể biểu diễn được mọi nốt nhạc, mọi âm vực, thể hiện được tất cả âm điệu, vẻ đẹp của các nền âm nhạc của các dân tộc anh em trên thế giới mà không có trở ngại nào. Tiết mục vừa tạo nên sự mới mẻ, độc đáo, vừa mang đậm màu sắc dân gian của hai quốc gia, hai dân tộc.
Biểu diễn cồng chiêng giao lưu |
Ông Hoàng Mạnh Tiến – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng cho biết: Trong một thời gian chuẩn bị không dài lắm, với nhiệm vụ và cũng là vinh dự của mình, Trung tâm đã xây dựng một chương trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên, 6 tiết mục được dàn dựng, tập luyện công phu đã thể hiện tất cả những nét đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại Lâm Đồng. Dù có rất nhiều tiết mục khác, nhiều bài khác của các nhạc sĩ của cả vùng Tây Nguyên sử dụng nhạc cụ tre nứa, nhưng Trung tâm muốn giới thiệu những màu sắc văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc bản địa. Đưa đến Ấn Độ lần này, đoàn không biên tập những tác phẩm lớn viết cho nhạc cụ Tây Nguyên mà lại dùng những tác phẩm do chính anh em chuyển soạn. Có thể nói, dàn nhạc dân tộc Nam Tây Nguyên là một trong những dàn nhạc có khả năng diễn tấu nhạc cụ dân tộc có hạng không chỉ vùng Tây Nguyên mà của quốc gia; các nghệ sĩ, nhạc công vừa vững về nhạc lý vừa xử lý nhạc cụ tốt.
Nghệ sĩ Nai Vy giới thiệu đàn T’rưng với nghệ sĩ Ấn Độ |
Trong ngày tiễn đoàn lên đường đi biểu diễn, ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: “Vừa qua, Ấn Độ đã chọn Lâm Đồng đã thực hiện một tác phẩm điện ảnh “Love in Việt Nam” để đi dự Liên hoan phim quốc tế Oscar. Đợt này, chúng ta tiếp nối thêm câu chuyện phát triển điện ảnh cùng với phát triển âm nhạc. Chuyến lưu diễn này của đoàn là dịp để kết nối văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt là của Lâm Đồng – Đà Lạt đến với nước bạn. Ấn Độ – văn minh sông Hằng là một nền văn minh lớn của nhân loại, mỗi nghệ nhân trong Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên như những đại sứ văn hóa, đại diện cho cả đất nước, phô diễn vẻ đẹp của văn hóa Việt, của Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, của âm nhạc riêng có của vùng đất Nam Tây Nguyên – Đây là một vinh dự, một niềm tự hào rất lớn. Chọn những giai điệu, những tiết mục đến Ấn Độ để giới thiệu đã phô diễn được hết nét đẹp, sự tài tình trong từng giai âm được tấu lên bằng những nhạc cụ thô sơ, mộc mạc”.
Những ngày biểu diễn tại Ấn Độ, tập thể ca sĩ, diễn viên đoàn nghệ sĩ, nghệ nhân Lâm Đồng nhận được sự quan tâm đặc biệt, những tình cảm nồng hậu của nghệ sĩ và nhân dân Ấn Độ. Chương trình biểu diễn của đoàn được đông đảo người dân nước bạn dõi theo hưởng ứng nồng nhiệt và được báo chí Ấn Độ đánh giá cao, được các trang báo quan tâm đăng tải. Các nghệ sĩ của Lâm Đồng trong trang phục thổ cẩm truyền thống biểu diễn vui tươi, tự tin, hòa nhã, lịch lãm nhưng không kém phần hồn nhiên, ngẫu hứng, sáng tạo. Trên sân khấu, anh chị em cùng hòa vào âm nhạc, “cháy” hết mình bằng tinh thần biểu diễn cống hiến đã đưa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam với nền văn hóa nghệ thuật truyền thống đa sắc màu ra thế giới.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/dua-ve-dep-van-hoa-cac-dan-toc-lam-dong-den-an-do-30b2d0c/