(LĐ online) – Chiều 25/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Quang cảnh phiên họp chiều 25/10 của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV |
Tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước về viễn thông, đảm bảo an toàn thông tin, các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, kinh doanh viễn thông, quản lý thị trường viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây, Quỹ viễn thông công ích, công trình viễn thông, quy hoạch đất sử dụng cho công trình viễn thông, quản lý sim rác…
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh phát biểu góp ý tại hội trường về Luật Viễn thông (sửa đổi) |
Tham gia góp ý, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này là nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, và giải quyết các bất cập, hạn chế trong thực thi Luật thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, còn nhiều các quy định trong dự thảo hiện nay chưa thực sự thể hiện hay phục vụ mục tiêu này. Bên cạnh những thủ tục hành chính mới phát sinh, dự thảo còn có những qui định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực viễn thông, và chưa thực sự nắm bắt những xu hướng phát triển công nghệ.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu: “Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều. Qua nghiên cứu tôi xin tham gia góp ý một số nội dung như sau:
Về Qũy dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Điều 32): Việc giao Qũy dịch vụ viễn thông cho Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý là chưa phù hợp, với các nguồn thu và số dư tương đối lớn, chính sách hỗ trợ nhiều…, đề nghị nên giao Bộ Tài chính quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bố trí, sử dụng quỹ thì phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ của các bộ. Đề nghị cũng cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về Quỹ dịch vụ viễn thông vào Luật, như: Quy định tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nguồn thu, mức thu và quyền hạn của Quỹ.
Về giấy phép viễn thông (Điều 33-36): Phần nội dung này để Chính phủ quy định chi tiết là chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc cấp giấy phép viễn thông, vì vậy đề nghị xem xét một số nội dung quy định cụ thể như sau: Về thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông… cần phải được quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật vì đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời cũng là khâu dễ phát sinh tiêu cực… trong quá trình tổ chức thực hiện, do vậy cần thiết phải có quy định cụ thể hơn trong Luật, không nên giao Chính phủ quy định. Đề nghị bỏ khoản 5 Điều 33 và cần thiết bổ sung thêm các nội dung quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục cấp phép tại phần này.
Về gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép viễn thông (Điều 39): Điểm b khoản 2 đề nghị xem xét bỏ quy định “trường hợp giấy phép có thời hạn cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép đó thì khi giấy phép hết hạn sử dụng, chỉ được xem xét gia hạn không quá một năm” vì quy định này không phù hợp, có khác biệt, mâu thuẫn với đoạn đầu, đặc biệt là chưa đảm bảo sự công bằng đối với các chủ thể được cấp giấy phép bằng thời hạn tối đa và các chủ thể được câp giấy phép chưa bằng thời hạn tối đa theo quy định của Luật này. Vì vậy, Luật cần quy định rõ là trường hợp giấy phép lần đầu có thời hạn tối đã được quy định cho loại giấy phép đó, khi hết hạn sử dụng thì không được gia hạn nữa.
Về đất sử dụng cho công trình viễn thông (Điều 64): Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm vào dự thảo Luật quy định đối với đất để xây dựng các công trình viễn thông nhằm hướng đến thực hiện việc xóa vùng lõm sóng di động, khắc phục vùng sóng yếu, sóng không ổn định, việc này các doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên các khu vực lõm sóng di động, vùng sóng yếu, sóng không ổn định thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn… các khu vực này chưa có sẵn các qũy đất như luật đã nêu, muốn thực hiện nhanh theo tiến độ theo yêu cầu thì các doanh nghiệp viễn thông rất khó thực hiện được ở các khu vực này. Mặt khác, để trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép triển khai mạng di động thế hệ thứ năm (5G) với đặc điểm sử dụng tần số cao nên số lượng trạm thu phát sóng BTS sẽ tăng lên khoảng gấp 2 lần so với số trạm BTS hiện có (nhu cầu sử dụng đất xây dựng trạm BTS sẽ tăng gấp 2 lần).
Do đó, việc nghiên cứu bổ sung thêm quy định đối với đất để xây dựng các công trình viễn thông là rất cần thiết. Kiến nghị có cơ chế đặc thù sử dụng đất để xây dựng công trình viễn thông, như cơ chế xây dựng công trình viễn thông về trạm BTS không cần chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất rừng… sang đất công trình viễn thông, mà chỉ cần cơ quan có thẩm quyền chỉ định xây dựng công trình viễn thông về trạm BTS.
Về Trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông: Điều 69 mới quy định các đầu mối trong quản lý Nhà nước về viễn thông (các bộ, UBND các cấp) mà chưa có quy định cụ thể các nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ, ngành nhất là của UBND các cấp như thế nào trong việc thực hiện 08 nội dung quản lý nhà nước đã quy định ở Điều 68, nếu không quy định cụ thể sẽ khó để phân định trách nhiệm chính, trách nhiệm phối hợp và công tác quản lý, xử lý vi phạm của các cấp, ngành và nhất là trách nhiệm UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về viễn thông. Vì vậy đề nghị quy định cụ thể hơn để đảm bảo sự thống nhất chung trong hoạt động quản lý nhà nước và theo thẩm quyền cụ thể được pháp luật quy định”.
Liên quan đến vấn đến việc chuyển mạng giữ số, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ quan điểm: “Thứ nhất, về việc chuyển mạng giữ số. Chuyển mạng giữ số là dịch vụ viễn thông cơ bản mà mọi công dân được hưởng. Ở nhiều nước, dịch vụ chuyển mạng giữ số được thực hiện trực tuyến, với thời gian từ 1-2 giờ. Khoản 4, điều 13.5 Hiệp định CPTPP quy định “Mỗi bên bảo đảm rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong lãnh thổ của mình cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số mà không làm suy giảm chất lượng và độ tin cậy, một cách kịp thời và theo các điều khoản và điều kiện hợp lý và không phân biệt đối xử”.
Tại Việt Nam, việc chuyển mạng giữ số được quy định tại Thông tư 35/2017, tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như: Các quy định tại Thông tư 35 còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà mạng khiến các nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn; các nhà mạng đưa ra rào cản về gói cam kết làm cản trở người dân thực hiện quyền chuyển mạng giữ số; hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng chưa đáp ứng việc truy xuất và thực hiện việc chuyển mạng giữ số trực tuyến, thủ tục vừa chậm và thiếu chính xác, thiếu thông tin minh bạch.
Tôi đánh giá cao dự thảo Luật đã bổ sung điểm h, khoản 2, điều 13 quy định về việc đảm bảo cung cấp cho thuê bao khả năng chuyển mạng giữ nguyên số, tuy nhiên, cần có quy định cụ thể và đầy đủ hơn, đặc biệt là phần chế tài để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện và tương thích với quy định tại khoản 4, điều 13.5 Hiệp định CPTPP.
Thứ hai, điểm c, khoản 4, điều 13 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có nghĩa vụ “thu hồi, tháo dỡ các công trình viễn thông khi không còn sử dụng”. Tôi rất đồng tình với quy định mới này của dự thảo Luật, tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung thời hạn cụ thể của việc thu hồi, tháo dỡ cụ thể hơn để buộc các doanh nghiệp thực hiện quy định này”.