(LĐ online) – Ngày 25/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ năm của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Quang cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV |
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Tại phiên thảo luận có 22 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, 1 lượt đại biểu tranh luận; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; căn cứ, trình tự và trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, điều kiện điều chỉnh, cắm mốc theo quy hoạch đô thị và nông thôn; nguyên tắc trong hoạt động, lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn; nhiệm vụ lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương; quy định và yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn, việc bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn; quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã và quy hoạch chung đô thị mới dự kiến trở thành thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; quy hoạch phân khu đô thị, chi tiết đô thị.
Sau khi nghiên cứu dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được trình thông qua tại kỳ họp lần này, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng tham gia đóng góp một số ý kiến nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật. Cụ thể như về Hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 3), tại khoản 1 quy định “Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia”, đề nghị xem xét quy định quy hoạch trên thuộc quy hoạch gì (không thuộc đối tượng “Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn” theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật) và có vị trí, quan hệ như thế nào với các loại quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành kinh tế- kỹ thuật quốc gia.
Ngoài ra, cần có nguyên tắc kiểm tra, giám sát khi thực hiện quy hoạch. Rà soát sự chồng chéo của các loại quy hoạch để xử lý theo Luật Quy hoạch 2017.
Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia góp ý thảo luận các dự án Luật |
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; đa số các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng; tiếp nhận thành viên hợp danh mới, tạm ngừng hoạt động, mô hình của văn phòng công chứng; bán văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của văn phòng công chứng; tổ chức hành nghề công chứng; quyền của tổ chức hành nghề công chứng; việc xã hội hóa, chuyển đổi, giải thể phòng công chứng; nguyên tắc hành nghề công chứng; thẻ công chứng viên; quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên; độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề công chứng viên; chức năng xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, hình thức hành nghề, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động công chứng; thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản; các hành vi bị nghiêm cấm; hiệu lực và giá trị pháp lý của văn bản công chứng; cơ sở dữ liệu công chứng; địa điểm công chứng; bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng; quy định về các loại giao dịch phải công chứng; phạm vi áp dụng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chữ ký điện tử trong công chứng điện tử; công chứng văn bản từ chối nhận di sản; gửi giữ di chúc…
Đại biểu Trịnh Tú Anh tham gia thảo luận, góp ý dự thảo Luật |
Tham gia góp ý Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng đề nghị nghiên cứu, xem xét bỏ nội dung tại khoản 6, điều 17 của dự thảo luật.
Việc quy định trên sẽ hạn chế quyền hành nghề và hình thức hành nghề đối với phòng công chứng trong thời hạn 2 năm nếu công chứng viên thuộc trường hợp được cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho thôi việc theo nguyện vọng. Khi đó, công chứng viên không có quyền chủ động trong việc lựa chọn hình thức hành nghề, mà chỉ được hành nghề theo một hình thức duy nhất được Luật ấn định là làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại văn phòng công chứng.
Thứ hai, việc đưa ra quy định giới hạn 2 năm tại khoản 6, điều 17, dự thảo là thiếu vắng cơ sở pháp lý trong tương quan so sánh với nội dung khoản 6, điều 26.
Thứ ba, theo định hướng phát triển nghề công chứng theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý thì ngoài việc củng cố, kiện toàn theo đề án vị trí việc làm, cần phải chú trọng phát triển đội ngũ công chứng viên, đẩy mạnh cải cách tiền lương, thu nhập tăng thêm và chế độ ưu đãi khác đảm bảo cuộc sống, khuyến khích công chứng viên yên tâm công tác,làm việc ổn định, lâu dài tại phòng công chứng…
Kết thúc thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202410/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tham-gia-gop-y-luat-quy-hoach-do-thi-nong-thon-va-luat-cong-chung-sua-doi-8fa0297/