Ngày 25/7/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 18-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Nghị quyết 18) trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu, du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bắt đầu mở cửa hậu COVID-19… nhằm thúc đẩy ngành Du lịch Lâm Đồng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, diện mạo du lịch Lâm Đồng có nhiều thay đổi tích cực.
Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tỉnh Lâm Đồng về sự phát triển của du lịch Lâm Đồng qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18.
• PV: Bà có thể đánh giá tầm quan trọng của Nghị quyết số 18 đối với sự phát triển của du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong 2 năm qua?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch |
• Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Nghị quyết 18 được ban hành cũng nhằm giải quyết một số khó khăn, tồn tại, chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh… Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết; tập trung công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững…
Sau khi Nghị quyết số 18 được ban hành, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 1453/KH-UBND ngày 28/2/2023 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18; đồng thời, các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, các thành ủy, huyện ủy; các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 đến các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch và mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm cụ thể hóa các chính sách phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu xã hội từ du lịch dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật và số lao động đã khẳng định vai trò, vị thế của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Du lịch tiếp tục góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng… Ngành Du lịch Lâm Đồng ngày càng khẳng định được thương hiệu, là điểm đến “an toàn, văn minh và thân thiện” đối với du khách trong và ngoài nước…
• PV: Những điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch Lâm Đồng triển khai Nghị quyết 18 là gì, thưa bà?
• Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Đà Lạt – Lâm Đồng có ưu thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, nhân văn và tài nguyên rừng phù hợp để phát triển phong phú, đa dạng các loại hình du lịch, như: du lịch tham quan, du lịch giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch văn hóa, du lịch thể thao mạo hiểm,… Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch đã được hình thành trong một thời gian dài, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của địa phương. Hình ảnh du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đã được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần thu hút khách.
Tỉnh Lâm Đồng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Bộ VHTT-DL và các bộ, ngành Trung ương trong phát triển du lịch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn về phát triển du lịch, huy động nguồn lực cho phát triển du lịch. Thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ngày càng có sự lan tỏa, tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Các chính sách về phát triển du lịch được UBND tỉnh ban hành kịp thời, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch Lâm Đồng phát triển…
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường quảng bá xúc tiến thu hút khách du lịch đến địa phương; sự liên kết phát triển trong và ngoài tỉnh ngày càng được đẩy mạnh. Nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ và người dân địa phương về vai trò, vị trí của ngành Du lịch được nâng cao, ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch ngày càng tốt hơn…
Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt đã tích cực trong phối hợp thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức cho các doanh nghiệp và hội viên tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị – hội thảo và hội thi của ngành Du lịch; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và hội viên hưởng ứng, tham gia các chương trình, sự kiện về du lịch do Trung ương và địa phương phát động…
Nhiều thành tựu phát triển du lịch trong 2 năm qua. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
• PV: Vậy, kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết 18 trong 2 năm qua như thế nào?
• Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Giai đoạn 2022-2024, lượt khách du lịch đến Đà Lạt – Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 65,9%; lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng trưởng bình quân là 58,4% (vượt 48,4% chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đến năm 2025 là tăng bình quân 9-10%/năm); khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú.
Đến cuối tháng 7/2024: số phòng đạt chuẩn cao cấp 4.882 phòng, chiếm 12,1% tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và 36,8% tổng số phòng đạt chuẩn 1-5 sao trên địa bàn tỉnh; thu hút được khoảng 14.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch; trong đó có khoảng 84% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Đây là 2 chỉ tiêu thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025.
Đối với định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững, các đề án, quy hoạch… có những kết quả khả quan. Trong đó, Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025, Lâm Đồng đã đưa vào hoạt động chính thức Cổng thông tin (Dalat.vn) và ứng dụng “Du lịch thông minh” trên các thiết bị di động với tên gọi “Đà Lạt Flower city” và ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến”, Bản đồ du lịch thông minh; lắp đặt và duy trì wifi tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, quảng trường Lâm Viên, chợ đêm, vòng quanh khu Hoà Bình, khu dốc Hoà Bình, Vườn hoa thành phố, bến xe Liên tỉnh, bến xe Thành Bưởi, siêu thị Big C, cà phê Mê Linh…, với năng lực phục vụ lên đến 50.000 lượt truy cập wifi mỗi ngày.
Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại TP Đà Lạt, đang triển khai thí điểm một số mô hình kinh tế đêm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân như: Cung đường nghệ thuật Lý Tự Trọng (tháng 11/2023); khu ẩm thực đêm Vườn hoa thành phố; tuyến phố đi bộ Đà Lạt tại khu Hòa Bình; phối hợp khai thác chuyến tàu du lịch đêm “Hành trình đêm Đà Lạt” tại Ga Đà Lạt; thí điểm phố đi bộ Trần Quốc Toản.
Quy hoạch mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch và tuyến du lịch. Trong đó, cụm du lịch của Lâm Đồng được phân bố thành 3 cụm chính, là: Cụm du lịch TP Đà Lạt và vùng phụ cận, cụm du lịch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, cụm du lịch các huyện phía Nam. Cụm du lịch và tuyến du lịch nội vùng tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lâm Đồng là du lịch tham quan nghỉ dưỡng kết hợp với các hoạt động diễn giải, giáo dục môi trường, du lịch tìm hiểu văn hoá, di sản; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp… Các tuyến du lịch liên kết vùng gắn liền với các sản phẩm du lịch “Rừng và Biển”, “Hoa và Di sản”…
Trong 2 năm qua, cơ chế, chính sách phát triển du lịch cũng được hoàn thiện. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, đối thoại để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và hoạt động kinh doanh, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng và trong xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.
Không gian, sản phẩm du lịch Lâm Đồng được phát triển nhằm khai thác tài nguyên du lịch, kết nối tour tuyến giữa các địa phương, với định hướng phấn đấu đến năm 2030 trở thành “Thiên đường xanh” có sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái – chăm sóc sức khỏe – thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phục vụ du lịch, nhất là các dự án du lịch trọng điểm, các dự án có quy mô lớn (Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch Đankia – Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch Núi Sapung); phát triển các sản phẩm du lịch về đêm; khai thác các sản phẩm tiểu thủ công, sản phẩm đặc sản sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ du lịch…
Quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng là công tác thường xuyên được ngành Du lịch quan tâm, chú trọng… Đồng thời, chúng tôi cũng phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp, tăng tỷ trọng cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của nhà nước (về đầu tư, đất đai, xây dựng, quản lý, bảo vệ rừng) của các chủ thể trong hoạt động du lịch…
Định hướng trong thời gian tới là tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TU đề ra, đến năm 2025!
• PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: http://baolamdong.vn/du-lich/202410/dinh-huong-phat-trien-du-lich-lam-dong-tro-thanh-thien-duong-xanh-c652b58/