Xưa, cả làng theo nghề dệt, nhà nhà làm, người người làm. Nay, không còn sự nhộn nhịp của một làng dệt thổ cẩm. Nhịp khung cửi như tiếng lòng của bà con thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) về đầu ra của sản phẩm, về tương lai của một làng nghề.
Bài toán đầu ra cho thổ cẩm vẫn là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương |
Nhiều cụ cao niên trong làng khẳng định rằng, nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu, còn lâu đến bao nhiêu thì không rõ, vì khi các cụ còn nhỏ đã thấy có làng nghề rồi.
Thôn Đạ Nghịch đẹp, nằm thoáng đãng trên một sườn đồi. Nhiều nóc nhà gỗ của đồng bào người Mạ vẫn còn giữ nét mộc mạc núi rừng. Toàn thôn có 316 hộ, đời sống của đồng bào chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm nghề truyền thống.
Nhiều năm trước, bà con được xây dựng một xưởng chung để dệt vải. “Niềm vui ngắn chưa tày gang”, bà con đã phải ai về nhà nấy cùng với khung dệt. Niềm hy vọng về một ngôi làng chuyên nghiệp dệt thổ cẩm, tiếng khung cửi vang lên thường xuyên, đều đặn chưa thực hiện được…
Quay về nhà, lay lắt dệt vải; dệt luôn những nỗi niềm. Làm sao bỏ được vì nghề đã in hằn trong tiềm thức, chai hằn trên đôi tay khéo léo của phụ nữ người Mạ nơi đây.
“Trước nhà nào cũng dệt vải, cả làng dệt vải. Giờ còn hơn 100 hộ dệt vải nhưng làm thường xuyên chỉ vài chục”, một người dân cho biết.
Chị Ka Rủ (50 tuổi) biết dệt khi còn thời niên thiếu; tính đến nay, chị có 35 năm dệt thổ cẩm. Mùa này, Bảo Lộc triền miên những cơn mưa, chị em không đi nương rẫy được, tranh thủ thời gian để dệt vải. Chị Ka Rủ tâm sự: Ngày thường khô nắng thì chị em đi làm các việc khác như đi nương rẫy, làm thuê, làm mướn; mưa gió thì tranh thủ ở nhà dệt vải. Mòn mỏi với nghề nhưng thu nhập không được bao nhiêu vì để cho ra một sản phẩm mất rất nhiều công sức.
Gia đình bà Ka Hiểu có 4 người làm nghề dệt vải. Sản phẩm của gia đình bán ở nhiều nơi trong tỉnh Lâm Đồng. Nhưng, cái khó vẫn là đầu ra cho sản phẩm, lâu lâu gia đình mới bán được một tấm. Thành phẩm làm ra cất giữ ở nhà khá nhiều.
Chị Ka Hợp, con gái bà Ka Hiểu với quyết tâm giữ nghề, nên cố gắng theo đuổi dù thu nhập chưa xứng đáng lắm với công sức đổ ra. Chị Ka Hợp bảo vì là sản phẩm thủ công nên người dệt cần phải chắc tay trong mỗi đường dệt, một tấm thổ cẩm chỉ cần một đường dệt không chắc tay là giá trị giảm, đôi khi hỏng cả tấm. Nếu có khách hàng thường xuyên thì chị em sống được với nghề, có thu nhập ổn định.
Chỉ tay vào từng tấm thổ cẩm, chị Ka Hợp phân tích: Tấm này làm chăn đắp, to, rộng lắm, công nhiều lắm. Tập trung làm thì hết khoảng 4 ngày, làm cầm chừng thì 15 ngày mới xong. Tiền một tấm bán ra từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng, chưa trừ chi phí sợi dệt. “Chúng em cũng muốn một lúc làm ra thành phẩm, có ngay tiền nhưng kẹt nỗi phải xoay cơm áo, gạo tiền từng bữa. Vì sản phẩm làm ra phải để nhà chờ người đến mua, không chủ động được khâu đầu ra sản phẩm”, chị Ka Hợp nói thêm.
Năm 2020, trước những đắn đo, suy nghĩ của bà con về tương lai làng nghề, Hội Phụ nữ xã Lộc Châu đã thành lập Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm với 45 thành viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Châu cho biết: Đến nay, tổ vẫn còn hoạt động nhưng khó khăn nhất vẫn là đi tìm đầu ra cho sản phẩm, dệt xong sản phẩm, chị em phải bán lại cho một người thu mua cũng ở tại thôn để mang đi nơi khác tiêu thụ. Chính việc không chủ động đó đã dẫn đến khó khăn cho sự hoạt động của tổ dệt thổ cẩm, sự chênh lệch về giá cả cũng là vấn đề chị em quan tâm.
Ông Nguyễn Xuân Huệ – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Châu cho biết: “Chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của làng nghề. Nhu cầu vay vốn của bà con để mua vật tư luôn được đáp ứng theo yêu cầu, lớp học nghề vẫn thường xuyên được tổ chức. Nói chung, vấn đề bây giờ là bài toán đầu ra cho sản phẩm, đây là việc cốt lõi mà chúng tôi vô cùng trăn trở”.
Hiện nay, xã Lộc Châu đang đề nghị lên các cấp, ban, ngành TP Bảo Lộc hỗ trợ khu trưng bày sản phẩm thổ cẩm của đồng bào đặt tại nhà sinh hoạt của thôn. Vì mỗi lần có người đến hỏi thăm hay có du khách, lại phải dắt đi từng nhà. Nhưng không phải nhà nào, lúc nào, ngày nào cũng dệt, cũng có mặt ở nhà. Rồi nữa, dắt đi từng nhà nhưng khách hàng chưa đồng ý lắm, chưa đồng thuận mua bán thì cũng “khó ăn, khó nói” với bà con.
“Địa phương cũng đang lên phương án nếu được hỗ trợ khu trưng bày sản phẩm thì cần bổ sung thêm về công tác quản lý, bảo quản thổ cẩm, có người giới thiệu sản phẩm…”, Phó Chủ tịch xã Lộc Châu, Nguyễn Xuân Huệ cho biết thêm.