Một dự án hay chương trình với nguồn vốn hợp tác công – tư đang thực hiện tại Di Linh, Lâm Đồng cùng 3 huyện của tỉnh Đắk Lắk nhằm tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng đáp ứng yêu cầu Đạo luật chống mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đang được tích cực triển khai. Khi hoàn tất, dự án sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân trong xuất khẩu cà phê, không chỉ ở Di Linh mà còn cho cả vùng cà phê Tây Nguyên.
Với những quy định mới EUDR về chống phá rừng của Liên minh châu Âu, cà phê nhân Việt Nam, trong đó có Lâm Đồng cần có giải pháp để duy trì việc xuất khẩu qua EU.
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Nguyễn Văn Thương |
• IDH VÀ “PPI COMPACT HUYỆN DI LINH”
Chương trình “PPI Compact huyện Di Linh” với tên đầy đủ bằng tiếng Việt là Chương trình Sản xuất kết hợp Bảo tồn – An sinh xã hội huyện Di Linh, là dự án do IDH – Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững – một tổ chức Phi chính phủ (Non-governmental Organization – NGO) của Hà Lan tài trợ đang được triển khai trên địa bàn huyện Di Linh từ năm 2022 cho đến nay.
Di Linh được chọn vì đây là huyện có diện tích canh tác cà phê hàng đầu của Lâm Đồng, với khoảng 50 ngàn ha. Chương trình được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ IDH cùng với Tập đoàn JDE chuyên thu mua cà phê tại châu Âu, với sự hợp tác của UBND huyện Di Linh theo cơ chế công – tư. Để thực hiện chương trình, UBND huyện Di Linh đóng góp 13.635 ngàn Euro, lồng ghép từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện; tổ chức IDH đóng góp 935 ngàn Euro và nguồn cán bộ kỹ thuật (nguồn tài chính đầu tư qua 4 dự án, trong đó có 1 dự án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện); Tập đoàn JDE và các doanh nghiệp cà phê góp 1.971 ngàn Euro (các doanh nghiệp tự đầu tư thực hiện ở các cụm xã theo sự phân công của UBND huyện).
Mục tiêu của chương trình, theo ông Bùi Đức Hào – Điều phối viên kỹ thuật Tổ chức IDH tại Di Linh, hướng đến việc hợp tác, huy động và lồng ghép các nguồn lực từ khối công và từ khối tư, chủ yếu là các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, nhằm tăng cường kiến thức và kỹ thuật cho nông dân trong việc canh tác và sản xuất có trách nhiệm thông qua các hoạt động như tái canh các vườn cà phê già cỗi, hạn chế sử dụng các nguồn nước ngầm như giếng khoan để tưới cà phê, sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp hợp lý, đa dạng hóa cây trồng; giảm chi phí, tăng thu nhập cho hộ dân.
Không chỉ hỗ trợ cho người trồng cà phê Di Linh, trong giai đoạn 2022 – 2025 Chương trình này còn đặt ra mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có – duy trì và nâng cao chất lượng che phủ rừng; giảm lượng phát thải Carbon trong canh tác cà phê (chỉ tiêu đặt ra giảm 30%); tăng thu nhập cho nông dân trồng cà phê (chỉ tiêu đặt ra tăng 10%).
Đặc biệt, cùng với UBND huyện Di Linh, Tổ chức IDH và Tập đoàn JDE, chương trình này còn có sự tham gia của 5 công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, gồm Công ty Intimex Mỹ Phước, Công ty Acom, Công ty LDC, Công ty Sucafina và Công ty Tuấn Lộc. Chương trình PPI Compact được triển khai rộng trên 19 xã và thị trấn của Di Linh. UBND huyện Di Linh đã lồng ghép các chương trình phát triển nông thôn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào vào Chương trình PPI Compact này với các hợp phần được triển khai độc lập.
Riêng với hợp phần xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng, tổng nguồn kinh phí thực hiện là 3,6 tỷ đồng trong đó nguồn tài trợ của Tập đoàn JDE và Tổ chức IDH dự kiến là 111.375 Euro tương đương 2,9 tỷ đồng; nguồn đóng góp của các đơn vị như: Công ty Louis Dreyfus, Acom, Intimex Mỹ Phước, Sucafina, Tuấn Lộc khoảng 678 triệu đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí này được nhà tài trợ chuyển giao cho Công ty Intimex Mỹ Phước làm đầu mối tiếp nhận và thực hiện chi trả trên cơ sở kết quả thực hiện các hoạt động, dưới sự giám sát của nhà tài trợ.
UBND huyện Di Linh có trách nhiệm đóng góp các cơ sở dữ liệu nền tảng và nguồn nhân lực điều phối, quản lý, giám sát quá trình thực hiện; các cơ quan, đơn vị, địa phương đóng góp bằng việc tham gia, hỗ trợ, phối hợp triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu.
Một lớp tập huấn trên thực địa do Chương trình PPI Compact huyện Di Linh tổ chức trong năm 2024 tại Di Linh |
• EUDR VÀ QUY ĐỊNH CHỐNG PHÁ RỪNG
Một câu hỏi đặt ra là vì sao phải xây dựng cơ sở dữ liệu về vùng trồng cho cây cà phê?
Cần biết rằng, cà phê nhân là mặt hàng xuất khẩu vào hàng chủ lực của nhiều tỉnh trong vùng Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng. Như tại Lâm Đồng, trong năm 2024 vừa qua, cà phê nhân nhờ tăng giá nên là mặt hàng xuất khẩu đứng nhì về giá trị tại Lâm Đồng với khoảng 67,51 ngàn tấn, đạt giá trị 226,16 triệu USD (chỉ đứng sau xuất khẩu khoáng sản alumin và hydroxit nhôm với khoảng 703 ngàn tấn xuất khẩu, đạt giá trị 288,3 triệu USD). Dù sản lượng xuất khẩu cà phê nhân Lâm Đồng trong năm 2024 giảm trên 25% về lượng so với năm trước đó nhưng tăng 10,63% về giá trị. Khoảng 40% cà phê nhân Lâm Đồng xuất khẩu sang các quốc gia châu Âu.
Trong khi đó, tại Liên minh châu Âu (EU), trong tháng 6/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua Quy định EUDR (EU Deforestation Regulation) nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng. Được gọi tắt là EUDR 2023/1115, Quy định này đặt ra các quy tắc chi tiết được thiết kế để ngăn chặn việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm cụ thể liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng, giảm lượng Carbon trên quy mô toàn cầu và giải quyết các tác động tiêu cực của việc mở rộng nông nghiệp.
Quy định này yêu cầu các công ty không được đưa vào hoặc xuất khẩu các sản phẩm từ thị trường EU mà không tuân thủ về tính hợp pháp và tính bền vững của EUDR. Các công ty phải tiến hành thẩm định để đảm bảo rằng các sản phẩm họ cung cấp là hợp pháp và không liên quan đến đất bị phá rừng hoặc suy thoái rừng, được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên EU với thời hạn áp dụng cụ thể trong năm 2025.
Các mặt hàng được lựa chọn áp dụng theo EUDR gồm: Gỗ, dầu cọ, đậu nành, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hoá trên (ví dụ chocolate, đồ nội thất, lốp xe, các sản phẩm in ấn…). Một danh sách các mặt hàng sẽ được cập nhật bởi EU; đối tượng áp dụng cho tất cả hàng hoá và sản phẩm được sản xuất trong EU và nhập khẩu vào EU, không có sự phân biệt và thiên vị nào.
Câu trả lời ở đây khá rõ ràng, nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó với EUDR, cà phê nhân Việt Nam sẽ khó có cửa vào thị trường châu Âu khi các Quy định này có hiệu lực.
Chính vì vậy, trong tháng 8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Công văn số 5179/BNN-HTQT về việc triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với Quy định EUDR; các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp đồng thời đã làm việc và có biên bản ghi nhớ với các đơn vị chức năng của 5 tỉnh Tây Nguyên – nơi có vùng trồng cà phê lớn trong nước, cùng hợp tác với Tổ chức IDH, VICOFA, Tập đoàn JDE PEET’S và các công ty xuất khẩu cà phê trong triển khai các giải pháp EUDR.
Tại Lâm Đồng, trong tháng 12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Kế hoạch số 11211/KH-UBND “Về triển khai các hoạt động thích ứng với quy định không gây mất rừng (EUDR). Huyện Di Linh trong tháng 1/2024 cũng ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp thích ứng với quy định không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn huyện Di Linh. Theo ông Bùi Đức Hào, trong tháng1/2024, Chương trình PPI Compact huyện Di Linh đã bắt đầu triển khai hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và cơ sở dữ liệu vùng trồng theo Quy định EUDR
(CÒN NỮA)
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202501/de-ca-phe-tay-nguyen-phat-trien-ben-vung-bai-1-eef49a7/